Kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò

Ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, đến nay tỉnh Bình Định cơ bản đã kiểm soát và ngăn chặn được dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò và đang đề nghị thẩm định điều kiện công bố hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh.
gia-suc-1632739075.jpg
Ảnh minh họa: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò

Dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại Bình Định vào cuối tháng 4/2021 từ đàn bò của một hộ dân ở thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng số trâu bò mắc bệnh trên 21.000 con (chiếm tỷ lệ gần 7% tổng đàn); trong đó đã điều trị khỏi bệnh gần 18.000 con, số trâu bò chết trên 3.000 con.

Toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò gần 250.000 con (đạt tỷ lệ trên 86% so với tổng đàn diện tiêm). Ngoài ra, các địa phương đã được cấp trên 23.500 lít Benkocid để phun thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi.

Trong thời gian dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò diễn biến phức tạp, ngành chức năng Bình Định cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi nhằm hướng dẫn chăm sóc, điều trị trâu bò. Số lượng tờ rơi đã cấp phát cho hộ chăn nuôi gần 9.500 tờ, áp phích dán nơi công cộng 200 tờ, tờ hướng dẫn chăm sóc điều trị bệnh 2.000 tờ.

Nhờ làm tốt phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, từ cuối tháng 8 đến nay, trên địa bàn không xuất hiện thêm số trâu bò mắc bệnh. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND tỉnh xem xét công bố hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai tiêm phòng cho số trâu bò còn lại để kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, tránh tình trạng tái bùng phát dịch.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn trâu bò sau khi khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục.

Tại tỉnh Đồng Tháp có 239 hộ chăn nuôi với 400 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại 6 huyện, thành phố; trong đó nhiều nhất là huyện Tân Hồng. Tỉnh đã điều trị khỏi bệnh là 325 con bò và có 24 con chết.

Trước diễn biến của dịch bệnh, ngành thú y tỉnh Đồng Tháp đã tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò được 22.050 liều, đạt 57,1% tổng đàn; đồng thời ở các địa phương có nuôi trâu, bò được vệ sinh tiêu độc khử trùng, đã thực hiện cấp phát hơn 19 nghìn lít Benkocid phục vụ vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và khu vực chăn nuôi.


Huyện Tân Hồng là địa phương có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất tỉnh, với trên 18.800 con. Từ cuối tháng 5 đến nay, bệnh viên da nổi cục đã xuất hiện trên 1.526 con bò của 166 hộ dân ở xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình và Tân Phước có 207 con trâu, bò được điều trị khỏi và đã có 22 con mang bệnh chết. Đối với số bò nhiễm bệnh chết, ngành thú y huyện tiến hành tiêu hủy theo quy định, đồng thời, khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh và người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để lây lan rộng trên địa bàn.

Ông Đỗ Thanh Ngọc, Tổ Trưởng Tổ Thú y huyện Tân Hồng, thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y - Thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với bệnh này chủ yếu lây bệnh cho đàn trâu, bò, dự báo bệnh có giảm vì ngành thú y chủ động triển khai nhiều giải pháp; trong đó có tiêm phòng, tiêu độc sát trùng. Đồng thời, chi cục cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi trâu, bò nên thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tiêu độc khử trùng định kỳ, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng đàn trâu bò kỹ; khi có dịch bệnh xảy ra bà con kịp thời báo cho thú y xã, thị trấn, huyện để phối hợp các ngành xử lý đúng quy định hạn chế mầm bệnh lây lan.

Tường Quân - Văn Trí