Kiểm lâm có thẩm quyền được điều tra vụ án hình sự ?

Hiện nay, Pháp luật Hình sự đã có những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn việc điều tra vụ án hình sự của Kiểm lâm đối với các tội phạm về bảo vệ rừng, lâm sản, động vật hoang dã.
100-1698245681.png
Kiểm lâm có nhiệm vụ, quyền hạn điều tra đối với các tội phạm về bảo vệ rừng, lâm sản, động vật hoang dã.

Ngoài những Cơ quan điều tra chuyên trách, thì nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Kiểm lâm đã được quy định tại điều 35, điều 39 và điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, Kiểm lâm được giao quyền hạn điều tra đối với những vụ án theo quy định, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu trong thời gian nhất định.

7-1698246164.jpg
Lực lượng Kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng

Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Kiểm lâm được cụ thể hóa tại Điều 34 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, trong đó có những nội dung cụ thể:

Khoản 1 điều 34 quy định: Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại 06 điều trong Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Điều 232 (Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản), Điều 243 (Tội hủy hoại rừng), Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ đông vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên), Điều 313 (Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy) và Điều 345 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng), thì Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

a, Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

b, Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Khoản 2 điều 34 quy định: Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt đông điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khi Cục trưởng cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Khoản 3 điều 34 quy định: Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có quyền áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

Khoản 4 điều 34 quy định: Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

1. Khi phát hiện hành vi có dầu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn:

a, Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b, Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, Kiểm lâm chỉ được điều tra vụ án hình sự được quy định tại các điều 232,243 244, 245, 313 và 345 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyễn Sông Lô