Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 khiến phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm. Do đó, cần có những giải pháp để kích cầu sức tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Trong số đó, việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại thời điểm này hết sức có ý nghĩa và quan trọng, để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hoá Việt Nam.
Để kích cầu tiêu dùng cuối năm, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện sở đã trình thành phố ban hành kế hoạch kích cầu tiêu dùng năm 2021. Dự kiến, trong quý IV, sở sẽ tập trung triển khai 43 sự kiện kích cầu tiêu dùng cho các doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng; chương trình bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; chương trình Tháng khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021… và các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
"Tháng khuyến mại tập trung không chỉ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt, người tiêu dùng được tiếp cận, mua sắm hàng hóa với mức giảm giá sâu, chất lượng đảm bảo", bà Trần Thị Phương Lan nói.
Trong tháng khuyến mại tập trung từ ngày 4 - 17/11, hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc triển khai chương trình Lễ hội ưu đãi, giảm giá đến 49% đối với hàng ngàn sản phẩm, kèm nhiều quà tặng hấp dẫn, cũng như áp dụng chính sách mua nhiều giảm nhiều.
Theo đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big C, đây là một trong những chương trình khuyến mãi lớn trong năm của hệ thống siêu thị GO!, Big C nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm với giá ưu đãi, quá đó dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho các dịp lễ hội cuối năm, hệ thống siêu thị GO!, Big C cũng giảm giá mạnh các mặt hàng thời trang, quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình…
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, để kích cầu tiêu dùng, siêu thị đang tiếp tục phối hợp cùng các nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá cho các mặt hàng tươi sống, hàng thiết yếu, hàng phòng dịch… và sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được do dịch bệnh.
Ngoài ra, để hỗ trợ nhân dân, người lao động tại khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý trong những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các chuyến bán hàng Việt về các huyện ngoại thành trong điều kiện cho phép.
Sở dự kiến tổ chức 9 phiên chợ Việt tại 5 huyện ngoại thành và 4 khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Hoài Đức, các khu công nghiệp: Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa, Bắc Thường Tín, Nội Bài từ tháng 10 -12.
Cùng với đó, tổ chức các Tuần hàng Việt tại huyện Quốc Oai và Chương Mỹ với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn. Ngoài ra, sở vận động các doanh nghiệp phân phối, siêu thị tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý tại khu vực ngoại thành, các xã miền núi, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Sở cũng thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, phân phối, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn thành phố về khai thác, vận chuyển hàng hóa để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung ứng đến người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng…
"Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này ước tính đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 59,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 440 nghìn tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước./.