Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy "chen" vào Vườn quốc gia Núi Chúa

Mặc dù đã được UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng Vườn quốc gia Núi Chúa vẫn có nguy cơ bị tàn phá bởi một dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng.

20211127103924-20230917204302481-1696570459.jpg

Vịnh Vĩnh Hy có hệ sinh thái rừng phong phú. Ảnh minh họa.

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 km. Tháng 4/2022, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với tổng diện tích 106.600 ha bao gồm cả biển, núi rừng, bán sa mạc… Mặc dù được mệnh danh là khu rừng sinh thái khô hạn nhất ở Việt Nam, nhưng hệ sinh thái, thảm thực vật của nơi đây rất phong phú, đa dạng.

Trong những ngày gần đây, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về các tác động môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn quốc gia Núi Chúa, sau khi thông tin về dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy xuất hiện. Dự án này có vị trí tại xã Vĩnh Hải huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam - một thành viên của BIM Group, làm chủ đầu tư, trên diện tích đất xây dựng phần nhiều nằm trong không gian của Vườn quốc gia Núi Chúa.

Từ một chủ trương

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận địa điểm đầu tư từ tháng 3/2015, đến cuối tháng 10/2015 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và được phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, đến ngày 7/1/2022, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy lại được phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500).

Theo quy hoạch chi tiết sau khi điều chỉnh, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy có vị trí chính xác tại thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, (tỉnh Ninh Thuận), thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, phân khu hành chính - dịch vụ của Vườn Quốc gia Núi Chúa. Dự án có tổng diện tích 64,65 ha (giảm khoảng 4 ha so với quy hoạch đã phê duyệt năm 2017), với phần lớn là đất quy hoạch rừng đặc dụng có diện tích 64,17 ha và 0,48 ha đất mặt nước quy hoạch Khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Núi Chúa. 

Theo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng và đất rừng tại dự án, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận công bố hồi tháng 3/2022, trong 12,9 ha đất do Công ty Syrena Việt Nam đề nghị thẩm định thì có đến 11,58 ha rừng quy hoạch rừng đặc dụng. Để triển khai dự án, Công ty Syrena Việt Nam sẽ phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 11,58 ha rừng nói trên.  

Tuy nhiên, vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Núi Chúa đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu là bảo vệ nguyên vẹn diện tích 18.872,62 ha rừng hiện có và tiếp tục duy trì độ che phủ rừng đến năm 2030 là 79,6%. Bảo tồn tài nguyên động, thực vật, đặc biệt 62 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm, bị đe doạ nguy cấp. Không thực hiện hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. 

Như vậy, đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Núi Chúa được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt vào tháng 10/2020, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy thuộc phân khu dịch vụ hành chính của rừng đặc dụng, là một trong 11 khu vực cho thuê môi trường rừng. 

Một trong những nguyên tắc khi xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại khu rừng đặc dụng là “chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi”. 

Nguy cơ ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Trong những năm qua, không khó để bắt gặp những dự án xây dựng khu du lịch và nghỉ dưỡng trong rừng, trong đó có không ít dự án để lại tiếng xấu do làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rừng trong quá trình xây dựng cũng như khai thác dịch vụ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các dự án du lịch, nghỉ dưỡng dưới tán rừng chưa hẳn đã mang lại kết quả tốt về mặt kinh tế, trong khi môi trường tự nhiên và hệ sinh thái rừng bị thu hẹp là cái giá phải trả ngay trước mắt.  

tap-doan-bim-group-1696571298.jpg

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam, chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là một thành viên của BIM Group. Ảnh minh họa.

Bởi vậy, không vô cớ khi dư luận thể hiện sự lo ngại đối với dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, ngay tại thời điểm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra tham vấn ý kiến cộng đồng. Trong quá trình xây dựng và khai thác, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hệ sinh thái cảnh quan của Vườn Quốc gia Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy, đầm nuôi hải sản diện tích hơn 5,7 ha của người dân thuộc huyện Ninh Hải, nơi đã được UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, Bộ TN&MT chỉ ra nhiều khu vực trong Vườn Quốc gia Núi Chúa sẽ chịu ảnh hưởng từ giai đoạn thi công đến quá trình khai thác vận hành, tác động đến hệ sinh thái nông nghiệp và cảnh quan trong khu vực.

Cụ thể, vị trí xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Vĩnh Hy, chỉ cách dự án 100 m, vốn đang là nơi trú ngụ, tránh bão của các tàu cá địa phương. Khu vực ven biển quanh dự án (có đoạn chỉ cách 15 m) có rạn san hô phong phú cùng với các loài thủy sản đa dạng, vốn đang là khu vực lặn ngắm san hô của khách du lịch,... cũng sẽ khó tránh được những tác động tiêu cực khi xây dựng dự án.

Ngoài ra, ĐTM cũng chỉ ra nguy cơ ảnh hưởng đến đầm nuôi hải sản có diện tích hơn 5,7 ha của người dân thôn Vĩnh Hy, cách dự án khoảng 1,2 km về phía Tây. Thêm vào đó, quanh khu vực xây dựng dự án còn có hàng loạt suối, hồ là nguồn cấp nước cho khu vực, như suối Lồ Ồ, hồ Vách Đá, hồ An Dú,…

Theo thống kê, ở vùng biển khu vực Núi Chúa và lân cận có khoảng có 333 loài sinh vật cảnh thuộc 57 giống, 14 họ của bộ san hô cứng Scleractinia, với độ che phủ san hô cứng đạt đến 30%.

Xung quanh khu vực dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy còn có một số đối tượng nhạy cảm khác có thể bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện và hoạt động của dự án, trong đó có 5 loài thảm cỏ biển gồm cỏ lá dứa (Enhalus acoroides), cỏ vích hay cỏ bò biển (Thalassia hemprichu), cỏ kiệu tròn (Cymodocea rotundata), cỏ xoan (Halophila ovalis), cỏ kim biển (Halodule pinifolia) và hơn 3 km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay là nơi có quần thể rùa biển lên đẻ trứng.

Ngoài ra, khu vực nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải (cách dự án 100 m về phía Đông Bắc); Dân cư khu vực xã Vĩnh Hải, trường mầm non Vĩnh Hải (cách dự án 600 m về phía Tây); Đồn biên phòng Vĩnh Hy (cách dự án 700 m về phía Tây) cũng được ĐTM chỉ ra sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp bởi quá trình thi công và hoạt động của dự án do Công ty Syrena Việt Nam làm chủ đầu tư.

ĐTM của dự án cũng nhận định trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí sẽ làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực dự án và lân cận (thường là bị suy giảm vì nhiều loài bị giết hại hoặc phải di chuyển đi nơi khác do sinh cảnh sống của chúng bị xoá sổ hoặc bị xáo trộn, không còn thích hợp để sinh sống).

Tác động đến các loài hiếm/nguy cấp khu vực dự án có một số loài nằm trong danh mục bảo tồn như đã nêu ở trên. Do vậy, việc thi công dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.

Lạm dụng thái quá thiên nhiên

Thực tiễn, câu chuyện quy hoạch "chen" vào di sản không phải là vấn đề mới và đã được cảnh báo từ rất lâu, không chỉ riêng Ninh Thuận. Đơn cử, vài năm gần đây, vi phạm có quy mô lớn xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các di sản tầm quốc gia, quốc gia đặc biệt và thậm chí di sản thiên nhiên thế giới, như vi phạm ở Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Mã Pì Lèng (Hà Giang) hay một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phải "nhường chỗ" để thi công quốc lộ 13C…

Nhiều di sản thiên nhiên, kiến trúc, đô thị có lịch sử hàng triệu, hàng trăm năm bị hủy hoại bởi sự nôn nóng phát triển bằng mọi giá. Nhiều di sản bị xâm hại, làm biến dạng, mất dần hoặc đứng trước nguy cơ phá hủy hoàn toàn. Môi trường sinh thái bị đe dọa hàng ngày. Nếu di sản - văn hóa, danh lam thắng cảnh đều biến dạng, méo mó, thoát khỏi môi trường sinh thái vốn có thì giá trị của nó cũng sẽ mất theo. Và nguy cơ biến mất khỏi bản đồ di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia hoàn toàn khó tránh.

Phải trải qua cả trăm năm, nghìn năm, thậm chí đến cả triệu năm… mới có được một di sản thiên nhiên bậc nhất thế giới hay một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng, cho đến hôm nay, nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng dân cư... còn rất "vênh nhau", chưa có tiếng nói chung về di sản.

Phía sau “sự xâm lấn” của các công trình du lịch và dịch vụ ở các địa phương xuất hiện một lỗ hổng lớn trong phân cấp, phân quyền cho địa phương và giám sát họ thực thi các quy hoạch về phát triển, sử dụng đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm.

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 13/4/2022 nêu rõ: “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp…”

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết với thế giới sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc đối xử đúng mực với thiên nhiên cần được xem xét kỹ lưỡng từ mỗi cá nhân. Có như vậy, những người đương thời mới không phải nói lời xin lỗi với các thế hệ tương lai.

Khánh Hà