Khu Kinh tế Vân Phong chỉ thu hút được 5 dự án đầu tư mới trong 3 năm

Trong 3 năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong chỉ thu hút được 5 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng, đạt gần 17% mục tiêu. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm ở Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức vào ngày 22/5 vừa qua.

khu-kinh-te-van-phong-03-1716388020.jpg
Đại biểu dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025.

Thu hút đầu tư mới đạt gần 17% mục tiêu

Nghị quyết số 05 về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 05) đặt mục tiêu: Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng trung chuyển quốc tế gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao; phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Theo dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, hơn 3 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung triển khai công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong và đã đạt được kết quả khá tích cực.

Trong đó, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (1 trong 4 quy hoạch lớn của tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-2023; việc lập, thẩm định 19 quy hoạch phân khu trong KKT được triển khai đồng loạt, đến nay đã hoàn thiện quy hoạch 4 phân khu ở khu vực Bắc Vân Phong.

Hạ tầng KKT Vân Phong tiếp tục được đầu tư nâng cấp; đến nay đã hoàn thành hơn 45km đường giao thông trục chính. Công tác xúc tiến đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược được quan tâm, trong đó tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ… để kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực được ưu tiên theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội.

khu-kinh-te-van-phong-02-1716388002.jpg
Một góc phía bắc Khu Kinh tế Vân Phong. (Ảnh minh họa)

Đến nay, Khu Kinh tế này đóng góp ngân sách hơn 8.700 tỷ đồng, chiếm 18% ngân sách tỉnh Khánh Hòa, trong khi đó mục tiêu Nghị quyết đặt ra phải đạt 30%. Cũng trong 3 năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong chỉ thu hút được 5 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng, đạt gần 17% mục tiêu của Nghị quyết nêu trên.

Gần 2 năm kể từ ngày Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực, các chính sách về lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa được thực hiện, chưa phát huy được lợi thế cơ chế đặc thù đã dành cho Vân Phong. Việc thẩm định các dự án có quy mô lớn mất nhiều thời gian, phức tạp, phụ thuộc ý kiến của các bộ, ngành.

Ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành triển khai chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc thẩm định, xem xét các dự án đầu tư vào khu kinh tế.

Ông Phương nói: "Vấn đề vướng các quy hoạch, hiện nay, có một số quy hoạch của Khu Kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi chuẩn bị xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua, quy hoạch điện 8 ban hành ra, các dự án đang kêu gọi về kho khí, năng lượng hay các khu công nghiệp hiện cũng đang rất vướng. Đây là khó khăn trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược".

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đã xuất hiện những điểm sáng trong đầu tư ở Khu Kinh tế Vân Phong. Nổi bật là các tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường ven biển qua địa bàn đang được đầu tư. Hạ tầng nội vùng Khu kinh tế Vân Phong tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đến nay đã có thêm 45km đường trục chính.

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Đầu tư phát triển hạ tầng chủ yếu tập trung việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các tuyến giao thông chiến lược, kết nối với các trục cao tốc đi qua Khu Kinh tế Vân Phong. Giải pháp đảm bảo nguồn vốn, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung đóng vai trò là vốn mồi, kích thích các nguồn vốn tư nhân, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung xúc tiến đầu tư".

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm ở Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp, hóa dầu, cảng biển...

khu-kinh-te-van-phong-04-1716388111.jpg
Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm ở Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ BQL KKT Vân Phong cho biết, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) quan trọng khu vực phía bắc KKT Vân Phong (Phân khu 3 và Phân khu 8). Đây là tiền đề quan trọng để nhà đầu tư chiến lược triển khai các thủ tục đầu tư. Hiện nay, tại Phân khu 3 có Dự án Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn và Phân khu 8 có Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông. Đây là 2 dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn (tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) có quy mô sử dụng đất hơn 1.441ha, với tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 25.000 tỷ đồng. Dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông (tại các xã: Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long, huyện Vạn Ninh), có quy mô sử dụng đất hơn 2.580ha, với tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) hơn 39.330 tỷ đồng. Đến nay, BQL KKT Vân Phong đã báo cáo UBND tỉnh kèm dự thảo văn bản tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án này.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị: "Cần phải triển khai đồng bộ, đột phá trong xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên. Vừa rồi, mới thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực đô thị, du lịch đối với các nhà đầu tư đã có ký kết bản ghi nhớ. Nhưng trong lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, cảng biển ở phía Nam Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thu hút được những nhà đầu tư lớn phải làm việc trực tiếp, tìm hiểu chuyên sâu, chuẩn bị kỹ về những điều kiện của mình. Thậm chí thuê đơn vị tư vấn để xúc tiến đầu tư cho mình vì khả năng xúc tiến của mình có hạn"./.

Bình Nguyên