Khống chế không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò tại tỉnh đã cơ bản được khống chế, đa số các địa phương trên địa bàn tỉnh đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh.
unnamed-1633423051.jpg
Khống chế để tránh lây lan dịch bệnh trên gia súc. Ảnh minh họa

Đến nay, Phú Yên 53/73 xã, phường, thị trấn ổ dịch đã qua 21 ngày; trong đó, 23 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An và Đồng Xuân đã công bố hết dịch. Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn bò tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân từ ngày 13/6 có 4.611 con bò của 3.155 hộ dân tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh mắc bệnh; trong đó chết 233 con.

Để khống chế các ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương thực hiện cắm biển báo tại nơi có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào xã có dịch; tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân biết và phòng chống.

Phú Yên đã tiêm phòng cho 66.000 trong tổng số 120.000 con tổng đàn nguy cơ, đạt tỷ lệ 55%; phân bổ 9.500 lít hóa chất sát trùng phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh.

Theo ông Nguyên Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khả năng bùng phát lây lan là rất cao. Ngành chăn nuôi và thú y Phú Yên tiếp tục hướng dẫn các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi phun tiêu độc vệ sinh môi trường, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào xã có dịch; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân biết và phòng chống, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục bùng phát trở lại.

Còn tại Bình Phước, dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên bò ở Bình Phước đang lây lan nhanh, hiện đã có 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn ghi nhận dịch bệnh trên đàn lợn và bò.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước cho biết, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 143 con lợn mắc bệnh tả châu Phi buộc phải tiêu hủy. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Bình Phước đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi tại 31 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Bù Đăng, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú, Bù Đốp, thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài. Tổng số lợn đã tiêu hủy đến thời điểm hiện nay là 2.172 con.

Đối với bệnh viêm da nổi cục trên bò, trong tuần qua, Bình Phước ghi nhận dịch phát sinh mới tại huyện Bù Đăng, Bình Long, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Bù Đốp và Lộc Ninh, số bò mắc bệnh là 37 con.

Như vậy, từ khi bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại Bình Phước (tháng 6/2021) đến nay đã có 54 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố ghi nhận có bò mắc bệnh. Số lượng bò mắc bệnh đến thời điểm hiện nay là 537 con; trong đó, có 47 con buộc phải tiêu hủy.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, ngoài các biện pháp phòng chống dịch như: tiêm vaccine, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, lựa chọn nguồn giống phù hợp,… hiện nay tỉnh Bình Phước đang tổ chức kiểm soát chặt công tác vận chuyện gia súc trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 2 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại đầu mối giao thông ra vào vùng an toàn dịch bệnh gồm: chốt kiểm soát tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú và chốt kiểm soát tại xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành. Tại các chốt kiểm soát, cán bộ cơ quan thú y thực hiện trực 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát và phun xịt tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước, hiện, trên địa bàn đã có 61 cơ sở chăn nuôi gia cầm và 115 cơ sở chăn nuôi lợn đã được công nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh. “Việc thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh và chăn nuôi bền vững”, Chi Cục Chăn nuôi Thú y Bình Phước khuyến cáo.

Theo thống kê, hiện nay, tổng đàn trâu trên địa bàn Bình Phước đạt 13.400 con, đàn bò 39.000 con, đàn lợn hơn 1 triệu con.

Đỗ Thị Thảo Nguyên