Một huyệt đạo của nước Nam
Theo huyền sử ghi chép núi Bà Đinh (Bà Đen) giống như huyệt đạo linh thiêng soi chiếu toàn vùng Đông Nam bộ rộng lớn vừa bao la hùng vĩ, nhưng rất thơ mộng. Vào những ngày đẹp trời, mây trời bảng lảng, phảng phất, ngọn núi hoà quyện trong nắng, trong sương đẹp đến nao lòng. Tương truyền đây là ngọn núi rất thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…Núi Bà Đen trở thành ngọn núi thiêng trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế. Ở đó, ẩn chứa những huyền tích tâm linh kết nối mạch nguồn linh khí của đất trời.
Núi Bà Đen cũng là vùng đất thiêng gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ, ghi dấu tích lịch sử, truyền thuyết độc đáo. Sự tích núi Bà Đen là hiện thân người con gái chết oan, sau cứu nhân độ thế, mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho chúng sinh.
Theo dân gian truyền lại, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con của ông Lý Thiện – vị quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng – một người gốc Bình Định. Nàng vốn xinh đẹp, con nhà gia giáo được nhiều chàng trai theo đuổi. Trong làng có chàng trai tên Lê Sỹ Triệt mồ côi cả cha lẫn mẹ, may được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi cũng tỏ lòng cảm mến nàng.
Một vị quan nọ cho người bắt cóc Thiên Hương về làm thiếp, nhưng được chàng trai cứu giúp. Ngày nọ, nàng lại lên núi lễ Phật và thăm dưỡng nhà sư Trí Tân thì bị bọn Châu Thiện vây bắt, toan làm nhục. Thiên Hương chạy cùng đường thì nhào xuống khe núi tử tiết. Ba hôm sau, Thiên Hương báo mộng cho vị sư Trí Tân xuống triền núi tìm thi hài về mai táng. Vì người phụ nữ báo mộng rất đen đúa nên vị sư gọi là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.
Tương truyền, trong lần chạy giặc, Nguyễn Ánh nhiều lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi truy quyét tận cùng, phải chạy đến Trảng Mang Chà vùng bùng binh hiện nay. Nghe tin đồn trên núi Bà Đen rất linh thiêng, cầu được, ước thấy, Nguyễn Ánh liền cùng quan quân lên núi cậy nhờ nàng mách bảo con đường thoát nạn. Một hôm, nàng Thiên Hương báo mộng mách Nguyễn Ánh chạy qua Xiêm nhờ viện binh hỗ trợ, chờ cơ hội khôi phục cơ nghiệp. Trong lúc mơ màng giấc điệp, Nguyễn Ánh được bà cho biết cứ theo “đường Sứ” đến Tây Ninh vòng qua Núi Bà, lên Võ môn tam cấp, qua Xiêm cầu viện thì sẽ thoát nạn, sự nghiệp nên cơ đồ. Nguyễn Ánh cùng quan quân hôm sau tiếp tục cuộc thoát thân như trong mộng. Quân Tây Sơn theo đường thủy sông Sài Gòn ráo riết đuổi theo. Biết tin Nguyễn Ánh qua Trảng Mang Chà, quân Tây Sơn càng hăng hái chèo thuyền không quản ngày đêm, nhằm tận diệt dòng họ Nguyễn.
Nhưng vừa qua khỏi khúc sông Bùng Binh, thuyền thình lình đụng vào đá chìm trong đêm tối, làm cho quan quân Tây Sơn chết rất nhiều. Vì lực lượng còn quá ít, nên các tướng sĩ sống sót phải dùng một vài chiếc thuyền còn lại trở về thành Gia Định. Trên sông Sài Gòn tại chỗ thuyền Tây Sơn chìm nay còn xoáy nước.
Nhờ vậy, Nguyễn Ánh thoát nạn, sau này qui tụ, tập hợp được các tướng hữu danh hợp về một mối, phá tan Tây Sơn, xây dựng lại nghiệp cũ.
Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh cho đúc cốt Bà Đen bằng đồng đen và giao quan trấn thủ miền Nam đưa lên núi tại động thờ bà và kèm theo sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt là người cũng được báo mộng để dâng sớ với vua phong chức cho cô gái họ Lý hiển linh. Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua đưa nàng lên Linh Sơn Thánh Mẫu, để nàng trở thành tiên thánh, được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế.
Phật Bà đã hiển thánh, sau này tu sĩ Đạo Trung tu ẩn trên núi thấy Phật Bà hiển hiện trên đỉnh núi. Một ngày, tu sĩ tìm được bức tượng bằng đá của Phật Bà, ông liền thỉnh về núi lập động để thờ phụng. Điện Bà lập nên, trở thành nơi tâm linh thu hút khách thập phương tấp nập về chiêm bái.
Hiện trên núi Bà Đen trở thành quần thể linh thiêng bao gồm hang Hàm Rồng thờ “cậu Bảy” thần núi của người hành hương; dấu chân Ông Khổng Lồ trên đường lên chùa Bà đến khu vực Tháp Tổ; “Suối Vàng” – con suối kì lạ chảy trên núi luôn óng ánh cát vàng… Câu chuyện về suối vàng tại núi Bà Đen đến nay vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từng có chuyên gia Nhật Bản đã tới đây đem một túi cát vàng đi xét nghiệm, họ cho rằng đó là một thứ “vàng non”. Nhiều người lên núi múc nước suối uống hoặc mang về với ý nghĩa may mắn. Tất cả trở thành không gian văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc biệt quan trọng của Tây Ninh.
Kiệt tác trên núi thiêng
Trên đỉnh núi Bà Đen mới được đầu tư, tổ điểm công trình như những kiệt tác cho muôn đời sau. Đó là tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn được thiết kế dựa trên nguyên mẫu của tượng Phật thời Lê, chạm khắc tinh xảo với khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, giữa trán có tuệ nhãn, đầu đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian.
Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê, với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa. Trong Phật giáo, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết, chí công vô tự, sự phát triển của hoa sen được ví với quá trình tu tập tâm thức của con người. Khi đài sen nở rộ trên mặt nước cũng là lúc tâm được thức tỉnh và giác ngộ. Xung quanh Tượng Phật Bà là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương bằng đồng với phong thái uy vũ, trang nghiêm. Các ngài đại diện cho bốn phương trời, là những vị tướng bảo hộ Phật pháp, trông nom bốn phương để hộ trì thế giới, giữ cho thế gian an lạc, mưa thuận gió hòa.
Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của Châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng. Pho tượng Phật Bà chất chứa vô vàn mật mã văn hóa, kiến trúc văn hoá độc đáo kết tinh của nhiều loại hình lĩnh vực như tín ngưỡng, nghệ thuật, điêu khắc...mà khó nơi nào có được.
Đầu năm nay, trên đỉnh núi Bà Đen tiếp tục hoàn thiện một kiệt tác trên núi thiêng vốn đã gắn với nhiều huyền thoại và kỳ tích. Đó chính là công trình tôn tượng Bồ Tát Di Lặc được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch, nặng 5.000 tấn trên độ cao 900m. Mỗi viên mang một kích cỡ, một tạo hình duy nhất, mọi thứ được tạo hình theo một phương thức chưa từng có tại Việt Nam. Hàng nghìn viên đá sa thạch tự nhiên được ghép theo cảm hứng ruộng bậc thang. Từng viên đá sa thạch được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế. Các viên đá sa thạch được xếp chồng lên nhau thành 54 lớp, mỗi viên đá ghép trung bình có chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm. Tổng khối lượng đá sa thạch sử dụng để ghép nên bức tượng là 2.025m3.
Tượng Phật Di Lặc được đặt trên địa hình đặc biệt, nằm trên đỉnh phân thuỷ có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen. Trong điều kiện thời tiết trên đỉnh núi thường xuyên gió lớn, sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp. Có thể nói, đây là tác phẩm kiệt tác không chỉ của Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có tác phẩm tinh tế đến như vậy. Đây cũng là dịp để mọi người đến chiêm bái Tôn tượng và học hạnh hỷ xả của Bồ Tát Di Lặc. Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới đã thực sự trở thành một kiệt tác kiến trúc Phật giáo.
Trong văn hoá Phật giáo, truyền thuyết về Phật Di Lặc Bồ Tát chính là vị Phật của tương lai. Sau hàng vạn năm nữa sẽ giáng thế và kế tiếp Đức Phật Thích Ca để tuyên thuyết và truyền thừa chánh pháp.
Tượng Phật Di Lặc ngồi trên thác nước chảy tràn, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh đồng bằng Nam bộ cùng hồ Dầu Tiếng rộng lớn. Là biểu trưng cho sự vui vẻ, an lạc, may mắn, tài lộc và hạnh phúc, từ trên cao, Phật Di Lặc nở nụ cười hỉ hả như ban phước lành, nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc vĩnh cửu tới chúng sinh.
Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực của con người thành niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy, Phật Di Lặc còn được gọi là Phật Cười, và luôn có tướng mạo mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Phật Di Lặc mạnh tới mức luôn toả sáng trên khuôn mặt hiền từ và hoan hỉ.
Giờ đây, mỗi năm trên đỉnh núi Bà Đen hàng triệu du khách đến chiêm bái tâm linh Phận Bà Tây Bổ Đà Sơn, săn mây cầu vồng, mây phượng hoàng, biển mây, và nhiều nhất là hiện tượng mây thấu kính tạo hình một chiếc nón trắng khổng lồ úp chụp lên chóp núi, nhìn xa tựa chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh đáp xuống nóc nhà Nam bộ. Đặc biệt đến núi Bà Đen để chiêm bái Di Lặc Bồ Tát là tìm đến miền đất của sự hoan hỉ, cởi bỏ mọi muộn phiền, âu lo để kiếm tìm niềm hạnh phúc viên mãn./.