Khơi dây tiềm năng, lợi thế của Tây Ninh - Bài 1: Lênh đênh trên công trình vĩ đại hồ Dầu Tiếng

Tây Ninh là cửa ngõ của các tỉnh Đông Nam Bộ giao thương quốc tế, là "phên dậu" phía Tây Nam của Tổ quốc với 240 km đường biên giới giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Du lịch Tây Ninh nổi tiếng với núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Cao Đài, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát… Đây là nơi có nền văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc vùng Nam Bộ.
hodautieng-1716207076.jpg
Khung cảnh hồ Dầu Tiếng đẹp như tranh vẽ. (Ảnh Trần Linh).

Trong rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh, chúng tôi bị thu hút đặc biệt hồ Dầu Tiếng, một hồ nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích mặt nước 2.560 ha, dung tích chứa trên 1,5 tỷ m³ nước. Hiện nay, nước từ hồ Dầu Tiếng tưới trực tiếp cho khoảng hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, Long An. Đồng thời hồ cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân, nước công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM. 

Dấu ấn lịch sử hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng  nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương, và Bình Phước được hình thành nhằm chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn. Hồ có thời gian thi công lên tới 20 năm, trở thành công trình thủy lợi “vĩ đại” có thời gian thi công lâu nhất trong lịch sử thủy lợi Việt Nam.

Ngày 29/4/1981, tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc đầu tiên, khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng. Ngay sau đó, với ý chí quyết tâm chính quyền huy động, kêu gọi hàng trăm, hang ngàn lao động tham gia làm đường kênh dẫn nước, tạo thành "mạch máu" cho hồ Dầu Tiếng. Để xây dựng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh thống kê từng từng huy động 36 nghìn người với hơn 15 triệu ngày công đào đắp được khoảng 11,6 triệu m³ đất, xây lắp gần 54 ngàn m³ bê tông, tạo nên hàng ngàn km kênh và công trình trên kênh.

Truông Mít thời điểm đó được xem là xã nghèo đói nhất của tỉnh Tây Ninh, lại bị tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Mỗi năm ở đây đều trải qua sáu tháng mùa khô, đất đai cằn cỗi, khô cứng, không thể canh tác nông nghiệp. Sau khi nghe chủ trương thuyết phục của lãnh đạo tỉnh làm hồ Dầu Tiếng, năm 1982 hàng ngàn hộ dân của xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu đã nhường đất, nương rẫy, để di dời đến nơi ở mới. Hiện địa phận của xã Lộc Ninh ngày ấy giờ đã nằm lọt thỏm trong lòng hồ Dầu Tiếng trong tổng diện tích 270 km2 tích nước.

Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương. Hồ Dầu Tiếng từng bị lãnh đạo cao nhất tỉnh Tây Ninh phản đối vì tốn nhiều đất với 2/3 diện tích hồ là ở Tây Ninh nhưng lại đặt tên hồ là Dầu Tiếng, một địa danh của tỉnh Bình Dương. Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh vẫn huy động đông đảo thanh niên, nhân dân tham đào kênh, xây hồ. Nguồn vốn xây dựng hồ được vay ưu đãi hơn 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới mà vị chủ tịch ngân hàng có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Đó chính là Rpbert Strange McNamara, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, người "kiến trúc" cuộc chiến tranh Việt Nam.

Năm 2017, công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Với diện tích mặt hồ lớn, tỉnh Tây Ninh đã kêu gọi đầu tư các khu vực du lịch hình thành bên trong hồ gồm: đảo Nhím, cù lao Sỉn, cù lao Tân Thiết, Tân Hoà, Bà Chiêm, Tà Dơ, Đồng Kèn…

Trong quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Tây Ninh, Dương Minh Châu đã được phê duyệt trở thành khu vực phát triển dịch vụ du lịch xung quanh núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng.

Trong đợt nắng nóng đầu năm 2024, Long An đã đề xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi Miền Nam xả nước từ hồ Dầu Tiếng dẫn vào sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn khi thiên tai hạn mặn cấp độ 4. Hàng triệu mét khối nước từ hồ xả qua hướng sông Vàm Cỏ Đông nhằm hỗ trợ Long An ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn.

dienmattroi-1716207348.jpeg
Dự án điện mặt trời trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Năm 2019, nhà máy điện mặt trời đầu tiên đã được hình thành trên khu vực bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng. Sau khi hành thành, nhà máy đã trở thành dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch. Điện mặt trời Dầu Tiếng đã hòa vào lưới điện quốc gia. Tây Ninh trở thành "thủ phủ điện mặt trời" với công trình được đầu tư kinh phí lên tới 9,1 nghìn tỷ đồng trên diện tích khoảng 504 ha, công suất lắp đạt vào khoảng 420 MW.

Lênh đênh trên hồ Dầu Tiếng

Vào những ngày nóng bức đầu tháng 5, chúng tôi lên thăm chủ khu vực đảo Nhím vừa dã ngoại, vừa thắng cảnh hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi khởi hành từ TP HCM chỉ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ lên tới hồ Dầu Tiếng. Con đường ven hồ trải dài xa tít tắp, bên rừng, giữa là đường đê  dài tít tắp và bên trong long hồ mênh mông, bao la.

Gần trưa, chúng tôi lên tới vị trí tập kết đi ra đảo, giữa cái nóng hầm hập, gay gắt như táp vào mặt từng người. Thế nhưng, trước công trình vĩ đại của đất nước, chúng tôi vẫn lội bộ, thuê ghe máy chạy ra đảo Nhím để trải nghiệm. Lúc đó khoảng 11 giờ trưa, mức độ nóng càng khủng khiếp hơn, mãi đến lúc xuống ghe, gió thổi nhè nhẹ, hơi nước bốc lên người mới dịu mát. Mùa này, chưa mưa nhiều nên nước vẫn còn nhìn thấy nhiều bãi bồi ven hồ.

Giữa trưa nắng, chiếc ghe trở nặng bỗng dở chứng không chạy, khiến cái nắng hầm hập càng khó chịu hơn. Chúng tôi phải kêu gọi cứu hộ, chuyển bớt người sang ghe khác thì mới có thể chạy tiếp. Ngồi trên ghe máy khoảng gần 1 tiếng đồng hồ mới tới đảo Nhím, chúng tôi phải đi bộ qua vùng cỏ thảo nguyên rộng lớn mới tới chỗ nghỉ chân.

Chứng kiến hồ Dầu Tiếng rất đẹp vào lúc hoàng hôn, nên mọi người tạm quên cảnh nóng bức ban trưa. Đây là thời điểm sắc trời và nước dường như hòa quyện vào nhau, tạo nên gam màu ấn tượng. Hồ Dầu Tiếng vừa mang vẻ đẹp bình dị, hoang sơ, thoáng đãng vừa mang vẻ đẹp giao hoà giữa núi và hồ. Đúng là điểm dã ngoại cuối tuần vô cùng độc đáo, thú vị cho những ai muốn cân bằng cuộc sống.

hoang-hon-1716207514.jpg
Hoàng hôn trên hồ Dầu Tiếng rất đẹp.

Tiết trời dịu mát, gió thoảng nhẹ đưa nhưng trảng cỏ xanh bao la trải rộng miên man ngút ngàn. Một số người thích trải nghiệm mò cua, bắt ốc ven hồ và thưởng thức sản vật. Một số người muốn ở lại qua đêm trên đảo Nhím để cắm trại, đốt lửa, sinh hoạt nhóm, tổ chức trò chơi với cảm giác rất phiêu bồng. Theo thống kê, hồ Dầu Tiếng hiện có hơn 50 loài cá (có số lượng lớn), trong đó có 10 loại có giá trị kinh tế cao như cá thác lác, cá lăng, cá lóc, cá cơm… Đây là nguồn thủy sản lớn giúp cho hàng trăm gia đình hằng ngày bám với nghề đánh bắt mưu sinh.

Hiện tỉnh Tây Ninh từng chức biểu diễn dù lượn, diều bay tại khu vực hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu. Trong không gian rộng lớn, những hoạt động biểu diễn diều bay thu hút hàng nghìn người tham gia, khung cảnh rất đẹp, bắt mắt khi ngắm nhìn những chiếc dù lượn thể thao bay trên lòng hồ Dầu Tiếng. Đây là bộ môn thể thao mới lạ, khiến nhiều người dân vỡ oà hạnh phúc, khi nhớ lại thời gian khó đắp đê, xây dựng lòng hồ.

Ông Lương Hoàng Hà, Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chuyến bay dù lượn trên cao hồ Dầu Tiếng rất mát mẻ và thú vị. Địa hình xung quanh mênh mông, không gian thoáng mát, rộng lớn đã giúp người bay thoải mái trải nghiệm ngắm toàn cảnh hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen. Với những lợi thế trên, bộ môn thể thao này có thể phát triển sớm ở vùng đất Tây Ninh trong tương lai, tạo thêm một sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo cho du khách.

du-luon-ho-dau-tieng-18-9141-1716207890.jpeg
Du lịch thể thao trên hồ Dầu Tiếng.

Còn ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Tây Ninh, đây là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới, độc đáo mà ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đang triển khai xây dựng. Đây là nên tảng phát triển thể thao hàng không, tạo nên sự khác biệt, độc đáo khi những cánh dù đầy màu sắc bay lượn, góp phần quảng bá các hình ảnh đẹp của huyện Dương Minh Châu và tỉnh Tây Ninh.

Chiều về, khi nắng vàng trải khắp, mặt Dầu Tiếng càng mênh mông, xanh biếc, vàng rực toát lên những khung cảnh đẹp như tranh. Những chiếc xuồng, ghe rẽ nước, đưa du khách tham quan lòng hồ. Bỗng xa xa, những căn chòi của ngư dân làm nghề vó cá chênh vênh trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Trên lòng hồ dầu tiếng, vẫn còn những hộ dân người Việt di cư tự do từ khu vực Biển Hồ Campuchia về sinh sống trên vùng đất bán ngập thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Họ không có giấy tờ tùy thân nên không thể hòa nhập với xã hội. Vì cuộc sống mưu sinh, trong những năm qua họ phải bám trụ hồ Dầu Tiếng để sống qua ngày.

Tây Ninh từng xây dựng hơn 100 ngôi nhà trên đất công cho những người dân có không gian sinh sống và làm giấy tờ cho những người này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ dân từ Campuchia về sinh sống quanh khu vực lòng hồ.

muusinh-1716208275.jpg
Một hình ảnh mưu sinh cô độc trên hồ Dầu Tiếng. (Ảnh Trần Linh)

Tại ven hồ Dầu Tiếng (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cũng có hơn 60 hộ dân là kiều bào ở Campuchia hồi hương sau nhiều năm lưu lạc sinh sống tại đây. Các hộ dân này chủ yếu tập trung sống ở ven hồ, dựng chòi, nhà sàn, nhà tạm trong vùng bán ngập vùng lòng hồ Dầu Tiếng để mưu sinh.

Hiện nay, chính quyền xã Minh Hòa đang vận động những hộ dân này lên bờ sinh sống, nhưng lại gặp khó khăn về hỗ trợ đất đai, nhà ở. Trước đây, một số hộ dân nuôi cá trong lồng bè nhưng ảnh hưởng đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường nên bị cấm. Giờ người dân phải đánh bắt cá trên hồ về thả vào bè, chờ bán cho thương lái.

Hồ Dầu Tiếng, một công trình vĩ đại từ bàn tay và khối óc con người, tạo nên sơn thủy hữu tình, không khí trong lành, thoáng mát, với các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, độc đáo. Hồ Dầu Tiếng rất thuận lợi để phát triển thành khu nghỉ dưỡng, giải trí, công viên rừng, khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, các môn thể thao trên nước...Tuy nhiên, sau một ngày lênh đênh trên hồ Dầu Tiếng, chúng tôi bắt gặp những căn nhà tạm, những mảnh đời cơ cực của hàng chục hộ dân sống, mưu sinh trên hồ Dầu Tiếng mới thấy phận người mong manh./.

Lê Thuận