Khi nghệ thuật hội họa “lên tiếng” vì môi trường

Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa, nhóm họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng đã “đánh thức” suy nghĩ người dân về trách nhiệm và hành động đối với môi trường biển qua triển lãm mỹ thuật “Vết dầu loang”.
5-ngay-hoi-da-nang-sac-mau-tai-cv-apec-1703046363.jpg
Ngày hội Văn hóa sáng tạo Đà Nẵng 2023 với chủ đề “Đà Nẵng sắc màu” diễn ra tại công viên APEC, TP Đà Nẵng. Ảnh: Cáp Vương

Giá trị cộng đồng trong từng đường nét, màu sắc

Là một trong những hoạt động nổi bật, được quan tâm nhiều nhất tại Ngày hội Văn hóa sáng tạo Đà Nẵng 2023 với chủ đề “Đà Nẵng sắc màu”, triển lãm mỹ thuật “Vết dầu loang” với những giá trị cộng đồng thiết thực đã đánh động lòng trắc ẩn, nỗi niềm sâu thẳm của nhiều du khách khi thưởng lãm. Đây không chỉ là sự kết hợp của niềm đam mê hội họa và tình yêu Đà Nẵng qua sự biến tấu của các họa sĩ mà còn gửi gắm thông điệp về bảo vệ môi trường biển, một “thương hiệu” mà thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực tạo dựng trong những năm qua.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết: “Triển lãm Vết dầu loang là hoạt động gửi đi thông điệp về môi trường rất rõ nét. Ban tổ chức hy vọng rằng, chính những hoạt động như vậy không chỉ tăng cường kết nối văn hóa sáng tạo, góp phần phát triển thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn mang đến một không gian sáng tạo nghệ thuật riêng”.

Triển lãm "Vết dầu loang" được 5 họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Hồ Đình Nam Kha, Trần Văn Tâm, Trần Hữu Cân và Trương Nguyễn Nguyên Kha thực hiện trong vòng hai tháng. Việc lựa chọn tên "Vết dầu loang" cũng mang ý nghĩa dại dương thân yêu đang phải đối mặt với các hiện tượng xả thải dầu mỏ sai quy định cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và tác động nặng nề đến đại dương. Điều đó đồng nghĩa với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển đang đe dọa con người. Và điều này vẫn đang “tịnh tiến” từng ngày, để lại nhiều hệ hụy.

2-tac-gia-ho-dinh-nam-kha-1703046363.jpg
Tác giả, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha và những người bạn. Ảnh: Cáp Vương

“Ban đầu, nhóm tác giả đặt mục tiêu là lan tỏa đến công chúng rằng hiện nay sự sống của đại dương hiện tại đang bị đe dọa và cần được con người bảo vệ. Sau đó, còn là mong muốn đưa giá trị tác phẩm nghệ thuật đến gần với sự sống của con người hơn thay cho lời kêu gọi, kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm của đại dương”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng, chia sẻ.

Với tổng số 20 bức tranh, có tác phẩm vận dụng nhiều yếu tố nghệ thuật trừu tượng, cũng có những tác phẩm chỉ cần nhìn vào là cảm nhận được. Điển hình như tác phẩm có tên là “Cứu” của tác giả Hồ Đình Nam Kha. Bức tranh với hình ảnh một con cua đang vùng vẫy giữa biển nước đen ngòm của những vết dầu loang. Bằng cách thể hiện chất hội họa thông qua bố cục, sắc độ mảng màu, bức tranh như phát ra tiếng kêu cứu khi người xem nhìn vào.

6-tac-pham-cuu-ho-dinh-nam-kha-1703046363.jpg
Tác phẩm “Cứu” của tác giả, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha. Ảnh: Cáp Vương

Hay như tác phẩm mang tên “Biển và em” của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ với hình ảnh một cô bé tay ôm chú mèo con đứng trước biển lớn. Có lẽ, chỉ thoạt nhìn cũng hiểu rằng tác giả muốn mượn hình tượng con người nhỏ bé trước những tác hại của ô nhiễm môi trường và có thể bị ảnh hưởng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, hình ảnh đối lập giữa không gian rộng lớn với con người nhỏ bé cũng thể hiện sự tương tác, tác động lẫn nhau. Con người dù nhỏ bé nhưng mỗi hành động đều có sự tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên. Và khi nhận đủ nhiều tác động tiêu cực đó, thiên nhiên sẽ tác động ngược lại môi trường sống của con người.

Tuy mỗi họa sĩ đều có một cách thể hiện nghệ thuật khác nhau, nhưng đều đặt vào đó những thông điệp, ý nghĩa mà mình tâm đắc nhất. Cũng chính vì thế mà triển lãm “Vết dầu loang” được nhiều du khách không chỉ trong mà còn ngoài nước quan tâm, khen ngợi.

Em Hoàng Nhật Nam, sinh viên trường Đại học Duy Tân thích thú: “Khi tham gia Ngày hội Văn hóa sáng tạo em rất ấn tượng với những bức tranh trong triển lãm Vết dầu loang. Ở đây vừa là không gian chụp ảnh check-in rất đẹp lại còn mang nhiều ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường”.

Ngạc nhiên xen lẫn hồ hởi, anh Byung-hoon, một du khách người Hàn Quốc cho hay: Lúc đầu tôi chỉ thấy nó đẹp vì màu sắc, đường nét của nó, sau khi được hướng dẫn viên giải thích thì tôi chỉ biết nói "wow" vì không nghĩ Việt Nam có những triển lãm tranh cộng đồng mang tính chất tuyên truyền đẹp như thế này.

Vẹn tròn sứ mệnh “người nhà báo của thiên nhiên”

Trong thế giới nghệ thuật, người họa sĩ và tác phẩm hội họa đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những giá trị cuộc sống. Triển lãm tranh “Vết dầu loang” lần này là một minh chứng cho nhận định đó. Đây không chỉ là nơi thưởng thức nghệ thuật, mà còn là một sự tái hiện sống động về sự cần thiết của việc bảo vệ đại dương.

Người họa sĩ, thông qua đôi bàn tay tài năng và tâm hồn sáng tạo, đã tạo ra những tác phẩm gợi lên hình ảnh đau lòng của từng “Vết dầu loang”. Những bức tranh không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về sự ô nhiễm môi trường và tình trạng đáng báo động của đại dương hiện nay.

Hơn thế, tác phẩm hội họa không chỉ là nơi thể hiện kỹ thuật và sự sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn là cầu nối tinh tế giữa nghệ thuật và nhận thức xã hội. Những bức tranh tại triển lãm là một lời cảnh báo, một cuộc kêu gọi về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường biển, nơi sự sống nảy nở và nơi hàng tỷ sinh vật phụ thuộc vào. “Vết dầu loang” không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, mà còn làm thay đổi nhận thức và hành động của cả cộng đồng xã hội. Từ đó cho thấy, những bức tranh không chỉ là nghệ thuật trang trí, mà còn là lời kêu gọi con người hãy đồng lòng bảo vệ môi trường nói chung và biển nói riêng.

Thêm nữa, thông qua những bức tranh về Vết dầu loang, người họa sĩ tạo ra một không gian mà người xem không chỉ cảm nhận vẻ đẹp, mà còn đối diện với thực tế không mấy tươi đẹp về môi trường. Điều đó cho thấy, tác phẩm hội họa không chỉ đơn thuần là sản phẩm mỹ thuật mà còn là cửa sổ tâm hồn, mở ra cho khán giả một thế giới mà họ có thể chưa từng được trải nghiệm.

Đúng như lời họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khi ông cho rằng: “Với tôi hội họa là một phương tiện tuyên truyền, giáo dục đặc biệt mà ở đó người họa sĩ đóng vai trò như một nhà báo của thiên nhiên. Họ phản ánh lại hiện thực cuộc sống, đưa ra thông điệp, định hướng bằng cách khắc họa thiên nhiên thông qua tác phẩm mỹ thuật thay vì chữ viết, hình ảnh, đó chính là ngôn ngữ của hội họa”.

Với những giá trị cộng đồng cao cả, hơn ai hết những người trẻ, đặc biệt là những họa sĩ trẻ cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Cần nhiều hơn sự lan tỏa sâu rộng của thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ yêu nghệ thuật nói riêng, về vấn đề gìn giữ và bảo vệ môi trường biển - đó cũng là nỗi niềm, mong muốn mà họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ gửi gắm.

Hội họa không chỉ là nghệ thuật, mà còn là sứ giả của những sứ mệnh nhân văn, cao cả. Và, với những phản hồi tích cực sau “Vết dầu loang”, không chỉ những người làm nghệ thuật như nhóm họa sĩ Hội Mỹ thuật mà chính khán giả cũng mong chờ có những triển lãm tranh tuyên truyền về văn hóa, đời sống nói chung và môi trường nói riêng quy mô hơn, sức lan tỏa lớn hơn trong tương lai.

Một số hình ảnh khách tham quan tại triển lãm:

1-du-khach-thuong-lam-1703046363.jpg
Du khách tham quan, thưởng lãm “Vết dầu loang”. Ảnh: Cáp Vương
3-nguoi-dan-da-nang-thich-thu-check-in-1703046363.jpg
Người dân Đà Nẵng thích thú check-in tại triển lãm. Ảnh: Cáp Vương
4-toan-canh-trien-lam-vet-dau-loang-1703046363.jpg
Toàn cảnh triển lãm “Vết dầu loang”. Ảnh: Cáp Vương

Cáp Kim – Lệ Thành