Khánh Hòa quản lý chặt sản lượng đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản

Sau 4 năm khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực thi việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập' trong đó tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, trong buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh cần phải quản lý chặt việc lắp đặt thiết bị hành trình, sản lượng đánh bắt, truy xuất nguồn gốc từ lúc lên bờ cho đến khi vào nhà máy…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 10/2018 đến nay Khánh Hòa không có tàu cá nào vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đối với các hoạt động chống khai thác IUU, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tiến hành kiểm soát 100% số lượng tàu cá rời cảng đi khai thác, đối với các tàu cá không đủ điều kiện kiên quyết không cho đi hoạt động và giám sát chặt chẽ việc sử dụng lao động trên tàu cá, nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em đi khai thác hải sản vùng khơi...

Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cảng cá, giám sát sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại cảng cá; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU; đồng thời, quan tâm chỉ đạo, bổ sung kinh phí, nhân lực để hoàn thiện, nâng cao năng lực của tổ chức quản lý cảng cá để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng…

vov-ca2-hqfe-1639482007.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, hàng năm chi cục cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá trên địa bàn tỉnh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Hiện nay toàn tỉnh có 696/720 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 96,6%. Về việc tàu cá hoạt động trên biển cũng được chi cục kiểm soát chặt chẽ. Qua hệ thống giám sát chi cục đã gửi thông báo đến các tàu, cụ thể từ tháng 4/2020 đến nay, ghi nhận 475 thông báo về mất tín hiệu, 12 thông báo vượt ranh giới; đồng thời hỗ trợ cứu nạn cho 17 phương tiện với 79 thuyền viên. Trong vấn đề xử phạt, chi cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xử phạt 37 trường hợp với số tiền trên 194 triệu đồng và nhập hồ sơ các tàu cá vi phạm này vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia…

Về việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác được các cảng cá trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối tốt, tất cả tàu cá cập cảng, rời cảng đều được kiểm soát. Sản lượng thủy sản khai thác từ tàu cá qua cảng đều được giám sát và lập hồ sơ đầy đủ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đúng theo quy định. Tại cảng cá Hòn Rớ, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (cảng cá lớn nhất vùng Nam Trung Bộ) trực tiếp đề cập thêm một số khó khăn thực tế mà cảng cá gặp phải về các vấn đề: thủ tục nhập bến, bà con ngư dân vẫn chưa chấp hành khai báo trước 1 giờ đồng hồ khi vào cảng; thiết bị giám sát hành trình gặp lỗi, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản có nhiều sai khác với chủ tàu…

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa thông tin thêm: Ví như nói về thiết bị giám sát hành trình, Khánh Hòa đã đạt 96,6% lắp đặt thế nhưng việc lắp đặt chưa ổn định, nhiều tàu cá khi đi trên biển tín hiệu mất kết nối. Thậm chí, việc kết nối, đồng bộ dữ liệu hành trình tàu cá giữa các đơn vị cung cấp thiết bị và Hệ thống giám sát tàu cá của Trung tâm Thông tin Tổng cục Thủy sản vẫn chưa hoàn thiện, tín hiệu thường xuyên bị ngắt quãng, gây khó khăn trong công tác giám sát, theo dõi và quản lý dữ liệu của trạm bờ của Chi cục Thủy sản.

Việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác của các tổ chức quản lý cảng cá ngoài tỉnh còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn đến công tác đối chiếu, rà soát, xác minh thông tin khi đưa lên Chi cục Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Và một vấn đề phát sinh trong dịch COVID-19, đó là tại thời điểm cảng cá Hòn Rớ đóng cửa để làm công tác phòng, chống dịch thì toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ nếu muốn cập cảng thì phải đều về cảng cá Đá Bạc,ở đây việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản chưa đủ thẩm quyền. Do đó, các doanh nghiệp thu mua cá trong thời điểm này tại cảng Đá Bạc gặp phải khó khăn, trong việc làm giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản, hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, so với các địa phương khác, tỉnh Khánh Hòa đã làm tốt về IUU nhưng so với yêu cầu của EC vẫn còn là bài toán. Do đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung đồng bộ, toàn diện và phải quyết liệt về IUU. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và yêu cầu đến năm 2022, cả 28 tỉnh có hoạt động đánh bắt thủy sản phải gỡ thẻ vàng của EC. Vậy nên, với những khó khăn mà tỉnh Khánh Hòa đang gặp phải, tỉnh cần phải quyết liệt và tập trung khắc phục.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: “Không phải việc thanh tra EC đến kiểm tra, Khánh Hòa mới thực hiện các công việc chống khai thác IUU mà tỉnh cần coi đây là công việc hàng ngày, hàng năm có như vậy ngành thủy sản mới phát triển bền vững. Các địa phương khác trong cả nước cũng phải nhận thức như vậy, không phải nay làm mai rút thẻ vàng rồi giải tán hoặc trùng xuống thì không phải là tiêu chí phát triển thủy sản bền vững của Việt Nam"./.