Khám phá Hà Nội qua những cửa ô

"Hà Nội và Những cửa ô" là triển lãm tài liệu lưu trữ lớn nhất từ trước đến nay và là sự kiện tiêu biểu trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ Niệm 70 Năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
kham-pha-dnktx3-at-1728278843.jpg
Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ XIX có 16 cửa ô

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Sở Nội Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm “Hà Nội và Những cửa ô”. Đây là sự kiện đặc biệt nhằm tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hào hùng khi Hà Nội chính thức giải phóng, bước vào một kỷ nguyên mới của độc lập, tự do và hòa bình, khai mạc ngày 07/10.

Các cửa ô là một phần lịch sử của Hà Nội. Ngày nay, người dân Thủ đô vẫn quen nói về Hà Nội với 36 phố phường và 5 cửa ô. Nhưng thực tế Hà Nội từng có bao nhiêu cửa ô? Và những cửa ô này chính thức xuất hiện từ thời điểm nào trong lịch sử? 

Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện về những cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như liên quan đến lịch sử, văn hóa, kinh tế của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.

kham-pha-dnktx2-at-1728279132.jpg
Cửa ô Cầu Dền cuối thế kỷ 19. Hiện nay là khu vực ngã tư phố Bạch Mai- Đại Cồ Việt- Phố Huế.

Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: “Cửa Ô xưa”, “Cửa Ô chiến thắng” và “Cửa Ô Hà Nội hôm nay. Thông qua các nguồn sử liệu, tài liệu hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, và các văn bản được lưu trữ tại Trung tâm Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hà Nội, triển lãm giới thiệu một cách khái quát về lịch sử các cửa ô Hà Nội, cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động về hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa Ô.

kham-pha-dnktx-at-1728279259.jpg
Cửa Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành xưa.

Cửa ô xưa giới thiệu về lịch sử hình thành các cửa ô của Thăng Long – Hà Nội; kiến trúc; vai trò, công năng của các cửa ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các cửa ô theo từng giai đoạn. Cùng với những tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy. Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các cửa ô của Thăng Long – Hà Nội xưa.

kham-pha-dntx41-1728279634.jpg
Ngày 9/10/1954 một đơn vị của Trung đoàn thủ đô tiến vào Ô Cầu Giấy. Phía trước là xe cơ giới của quân đội Pháp lặng lẽ rút lui.

Cửa ô chiến thắng kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội tiếp quản thành phố; những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế.

Đây là dịp để mọi người chiêm ngưỡng các hình ảnh tư liệu không chỉ về ngày Giải phóng Thủ đô mà còn về Hà Nội trong suốt các thời kỳ đấu tranh và phát triển. Triển lãm cũng tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội qua các cửa ô, những chứng nhân cho tinh thần bất khuất và sự trường tồn của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Qua triển lãm người dân và khách du lịch đến Hà Nội trong dịp này sẽ hiểu rõ hơn về các giá trị lịch sử của các cửa ô Hà Nội. Những cửa ô này không chỉ là chứng nhân của thời kỳ lịch sử đầy biến động mà còn là nơi đánh dấu các cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. Việc trưng bày các tư liệu về quá trình tiếp quản, giải phóng Thủ đô và những thay đổi suốt 70 năm qua sẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ./.

Tuấn Trần