Khai hội Chùa Hương thu hút du khách trải nghiệm 'hành trình về đất Phật'

Nhắc đến những lễ hội lớn nhất của miền Bắc dịp Tết, chúng ta không thể bỏ qua lễ hội chùa Hương – Lễ hội được ví như “hành trình về đất Phật” và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.
279d2bf46395cecb9784-1707926663.jpg
Đông đảo du khách tham dự khai hội chùa Hương. Ảnh: Trần Quỳnh

Hôm nay 15/2/2024 (mồng 06 tháng Giêng) đã chính thức khai hội Chùa Hương năm 2024 tại Sân chùa Thiên Trù – Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn – văn minh – thân thiện” nhằm khẳng định giá trị văn hóa lễ hội chùa Hương và phát huy giá trị quần thể khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn – Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Hương năm nay được diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5 (tức từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn).

01a444840fe9a2b7fbf8-1707973445.jpg
Du khách khắp mọi miền đất nước nô nức về trẩy hội chùa Hương để cầu cho quốc thái dân an. Ảnh:Trần Quỳnh

Điểm nhấn của Lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đã tập trung đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách với việc thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự; thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.

bfce1ec653abfef5a7ba-1707972922.jpg
Xuồng đò sẵn sàng phục vụ khách tham quan lễ Phật.Ảnh: Trần Quỳnh

Cụ thể, về thời gian vận chuyển xuồng đò khách tham quan lễ Phật: Từ thứ 2 đến thứ 6: Thời gian vận chuyển từ 05h00 đến 20h00; Thứ 7 và Chủ nhật: Thời gian vận chuyển từ 04h00 đến 20h00; Tiếp tục thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đẩy mạnh công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội; bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.

4b02bf1e90733d2d6462-1707973240.jpg
Thượng Toạ Thích Minh Hiền Trụ trì chùa Hương đánh trống khai hội.Ảnh: Trần Quỳnh

Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương cho biết, hiện tất cả các tự viện đã chuẩn bị đầy đủ vật chất, tăng ni phật tử, nghi lễ, triển lãm lễ hội Phật giáo, với 18 tự viện trong toàn khu di tích Hương Sơn, 30 tăng ni, trên 100 phật tử với tinh thần phục vụ mọi người là công đức cao cả nhất của tăng ni phật tử chùa Hương từ lâu nay.

b8d30bea428befd5b69a-1707926663.jpg
Chùa Hương là địa điểm hành hương chiêm bái của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Quỳnh

Nhấn mạnh về giá trị lịch sử, tâm linh của vùng đất Hương Sơn, Thượng tọa Thích Minh Hiền chia sẻ, đây là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, đâu đó thấp thoáng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, xen kẽ ẩn - hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được thiên nhiên tạo hoá gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian tự bao đời như: động Hương Tích, động Ngọc long, động Người Xưa… Hương Sơn còn là Thánh tích Phật giáo của người con Việt, nơi Bồ tát Quán Thế Âm trác tích tu hành thành đạo. Cũng không biết tự bao giờ, hành hương chiêm bái, đỉnh lễ Bồ tát đã dần trở thành một phần không thể thiếu của người đệ tử Phật, nhất là mỗi độ Xuân về.

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đi tuần thú phương Nam lần thứ hai tới đây và Chư tiền Tổ chống Tích trượng khai sơn đến nay, trải qua 11 đời Tổ sư tục diệm truyền đăng, từ Tổ khai sáng đến cố Hoà thượng Thích Viên Thành nối tiếp nhau xây dựng, hoằng dương chính pháp. Danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một mở rộng và phát triển trên một bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống Tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.

“Hành hương trẩy hội mùa Xuân là nét đẹp của dân tộc Việt Nam vốn có tự ngàn xưa. Nét đẹp đó mãi mãi trường tồn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận. Chỉ trong lễ hội con người mới có dịp thăng hoa những biểu cảm nội tâm, những phẩm chất tốt đẹp của mình, con người mới có dịp hoà nhập vào không khí chung lễ hội để tạo thành niềm vui chung của một làng quê, của một vùng trong ngày lễ hội”, Thượng toạ Thích Minh Hiền nhấn mạnh.

fd2d33ed0580a8def191-1707973059.jpg

Các vị đại biểu tham dự cắt băng khánh thành triển lãm mỹ thuật Phật giáo. Ảnh: Trần Quỳnh

 Từ ngày 1/1/2024 Giá vé thu phí thắng cảnh theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND thành phố Hà Nội: 120.000đ/người/lượt; Ưu tiên: 60.000đ/người/lượt (Giá vé trên đã có 2.000đ bảo hiểm).

Theo Quyết định số 632/QĐ-UBND, ngày 31/1/2024 của UBND thành phố Hà Nội:

- Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách:

+ Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra

+ Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra

+ Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra

- Về giá vé cáp treo:

+ Khứ hồi: Người lớn: 220.000đ; Trẻ em: 150.000đ.

+ Một lượt: Người lớn: 150.000đ; Trẻ em: 100.000đ.

- Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000đ/ngườ

 

Trần Quỳnh