Indonesia áp mức thuế trên 2.000 USD/tấn khí thải carbon từ ngày 1/4 năm tới

Ngày 7/10, Bộ trưởng Tài chính Indonesia (In-đô-nê-xi-a) Sri Mulyani Indrawati cho biết nước này sẽ áp thuế carbon 30.000 rupiah (2.111 USD)/tấn đối với lượng khí thải vượt quá giới hạn quy định kể từ ngày 1/4 năm tới.
unnamed-1-1633690104.jpg
Indonesia áp mức thuế trên 2.000 USD/tấn khí thải carbon từ ngày 1/4 năm tới. Ảnh minh họa

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết, thuế carbon sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4/2022, nhưng chính phủ vẫn tuân theo lộ trình cắt giảm khí thải nhằm chống biến đổi khí hậu.

Luật về hài hòa thuế được Quốc hội Indonesia thông qua trong phiên họp toàn thể ngày 7/10 đề cập đến việc áp thuế carbon nhằm mục đích bảo vệ môi trường.

Bà Sri Mulyani nhấn mạnh rằng thuế carbon là một phần trong cam kết của Indonesia nhằm tự cắt giảm 29% lượng khí thải và 41% với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030 trong khuôn khổ Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Bà Sri Mulyani cũng cho biết loại thuế này sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn và được điều chỉnh theo hoạt động buôn bán khí thải như một phần của lộ trình kinh tế xanh nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Tài chính Suahasil Nazara giải thích, xuất phát từ sự thừa nhận rằng khí thải carbon có giá trị kinh tế, Indonesia sẽ áp thuế carbon dựa trên giới hạn và cơ chế thuế.

Trong giai đoạn đầu tiên vào năm 2021, Chính phủ Indonesia sẽ xây dựng cơ chế thương mại carbon và từ năm 2022 đến năm 2024 sẽ áp dụng thuế đối với các nhà máy điện chạy than, dựa trên giới hạn và cơ chế thuế.

Từ năm 2025 trở đi, thương mại carbon sẽ được thực hiện đầy đủ và lĩnh vực thuế carbon sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn, phù hợp với sự chuẩn bị của ngành nhiệt điện.

Mới đây, Indonesia đã đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060, sớm hơn một thập kỷ so với các kế hoạch trước đó.

Thuế carbon là một trong các biện pháp khuyến khích để đạt được mục tiêu này, theo hướng khiến cho các hoạt động và sản phẩm sử dụng nhiều carbon trở nên đắt đỏ hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế hướng tới một tương lai ít ô nhiễm hơn.