Bà Gita Gopinath nhấn mạnh, các cuộc tranh luận về chuyển dịch năng lượng hiện nay thường tập trung vào các biện pháp trợ cấp thay vì xác định giá khí thải. Bà cho rằng trợ cấp không thể thay thế các chính sách thuế carbon, vì vậy các nước cần có cơ chế định giá carbon bất chấp những tranh cãi chính trị xung quanh vấn đề này.
Theo bà Gopinath, nguồn thu ngân sách từ việc định giá carbon sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp hướng tới chuyển dịch năng lượng, giảm nợ, cũng như kết nối hiệu quả đầu tư và các sáng kiến năng lượng. Định giá carbon tương đương với việc mua "giấy phép ô nhiễm" phát thải CO2 hiện nay.
Mặt khác, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá cao những nỗ lực vừa qua của Liên minh châu Âu (EU) khi đã thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có việc áp dụng thuế carbon. Đây là cơ sở thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành năng lượng thời gian tới.
Ngoài ra, bà Gopinath nhấn mạnh, thế giới cần tránh rơi vào "cuộc đua trợ cấp giá", nơi các quốc gia phát triển có năng lực tài chính hơn các quốc gia nhỏ, nguy cơ dẫn đến các khoản trợ cấp tốn kém và không cần thiết.
Quan chức IMF đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các nước châu Âu trước đó bày tỏ quan ngại về kế hoạch môi trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trợ giá phát triển và sử dụng xe điện trong nước.