Huyền thoại về một sư đoàn trưởng

Ở thế hệ chúng tôi, những người lính tình nguyện quốc tế chiến trường biên giới Tây Nam, khi nhắc lại những tháng ngày ác liệt, trong ký ức của mình, không thể nào phai nhạt được một cái tên, một huyền thoại: Sư trưởng tài danh Trương Hồng Anh (Sư trưởng sư 2, quân khu 5), vị sư trưởng trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
image-1658554580.png
Liệt sỹ Trương Hồng Anh

Vị sư trưởng trẻ nhất

Khi sự nghiệp đang độ phát triển đến đỉnh cao, sư trưởng Trương Hồng Anh đột ngột hy sinh ở tuổi 36 tuổi. Thế nhưng, cuộc đời ngắn ngủi của ông đã để lại những bài học vô giá của người chiến sĩ cách mạng về tấm gương sống, học tập, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc…

Trương Hồng Anh quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi khi còn học trung học, ông đã bỏ vào chiến khu, nhập ngũ vào Sư đoàn 2. Ông từng tham gia nhiều trận đánh tại chiến trường khu 5 như: Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương, Quy Thạch, Nông Sơn, Trung Phước, đường 9 - Nam Lào... rồi giải phóng Đà Nẵng. Năm 22 tuổi, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90. Năm 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1. Năm 34 tuổi là sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, ông được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng.

Tôi có may mắn được gặp ông Trương Hồng Anh từ đầu năm 1977, sau những ngày huấn luyện tân binh được biên chế vào một đơn vị trinh sát trực thuộc bộ chỉ huy Sư 2 (đồi Tuần Dưỡng, cách Tam Kỳ, Quảng Nam 17 km). Lúc đó, ông còn là sĩ quan cấp úy ở Ban tác chiến thuộc phòng tham mưu sư đoàn, đến gặp chúng tôi để huấn luyện nghi thức chào quân kỳ. Ngay khi ấy, cái ấn tượng lớn nhất của tôi về ông là sự hiền hòa, gần gũi, bởi ông nói giọng Quảng. Ấn tượng thứ hai, là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một anh bộ đội có vóc dáng thư sinh và gương mặt đẹp ngời sáng thiên thần như vậy.

Thật tình cờ, không bao lâu sau, tôi lại được bố trí về công tác tại Thư viện Sư đoàn - một ngôi nhà nhìn mặt đối diện vào cửa sổ phòng làm việc của ông. Từ đó, suốt thời gian dài, mỗi tuần vài lần, vào những giờ nghỉ, ông thường ghé sang thư viện mượn sách, chuyện trò cùng tôi những kỷ niệm buồn vui…

Đến những giai thoại

Trước khi gặp ông Trương Hồng Anh cũng như nhiều năm về sau, tôi được nghe khá nhiều giai thoại độc đáo về người sĩ quan có dáng thư sinh này. Chẳng hạn, hồi 1971, nghệ sĩ ngâm thơ Kim Cúc từ Hà Nội vào biểu diễn ở Mặt trận đường 9 - Nam Lào, gặp ông ở lán trại dã chiến, nghĩ là chiến sĩ liên lạc, đã gọi: “Em ơi cho chị xin ly nước”.

Đến sau giờ biểu diễn, chị bất ngờ nhận ra vị Tiểu đoàn trưởng đứng ra cảm ơn đoàn nghệ thuật lại chính là người rót nước rất lễ phép trước đó đã không khỏi ngỡ ngàng. Chuyện ngộ ngĩnh nhất xảy ra vào thời điểm của chúng tôi nhập ngũ sau năm 1975, đó là một nhóm tân binh người Đà Nẵng thấy ông mặt mày trắng trẻo sợ không chịu đựng được những gian khổ ở thao trường… liền rủ ông tham gia kiếm đường đào ngũ; đến chừng theo họ một đoạn đường, thay vì báo cảnh vệ bắt, ông giảng giải cho họ nhận thức đúng sai để quay lại đơn vị…

Bên cạnh những câu chuyện vui, hẳn rằng điều đáng nói lớn nhất về Trương Hồng Anh, đó là tài thao lược quân sự. Đặc biệt, về những tháng ngày khốc liệt ở chiến trường K., Đại tá Lê Văn Cúc, nguyên Chính ủy Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) kể: Tôi nhớ nhất là trận đột phá toàn mặt trận trong đội hình của quân đoàn 4. Anh Trương Hồng Anh bàn rời sở chỉ huy từ phía sau ra phía trước so với trận địa bố trí quân. Đây là phương án táo bạo có phần nguy hiểm, nhưng cái được lớn nhất là quan sát toàn bộ chiến trường, chỉ huy hiệp đồng binh chủng nhanh chóng.

Như dự liệu, trận đột phá lần đó, Trung đoàn 1 đã giành thắng lợi giòn giã, là dấu ấn quan trọng để đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ 2. Trương Hồng Anh có trí nhớ rất kỳ lạ. Dựa trên bản đồ, anh có thể dẫn Trung đoàn hành quân trong đêm hàng chục cây số mà không bị lạc. Cách làm việc của anh khoa học, có sự chuẩn bị kỹ cho mỗi trận đánh từ con người, phương án, cơ sở chiến trường, đồng thời anh đòi hỏi chỉ huy cấp dưới cũng phải như thế.

Tính cách của Trương Hồng Anh thể hiện trong sinh hoạt đời sống hàng ngày cũng được ông Cúc và nhiều người nhớ: Anh rất ít ngủ, đọc sách nhiều, nghiên cứu, ghi chép cẩn thận. Có khi nửa đêm bật dậy để viết vào sổ một ý nghĩ nào đó mới hình thành. Đọc, ghi chép, quan sát, phân tích, sự lao động nghiêm túc này cộng với sự từng trải chiến trường, ý chí quyết tâm cao là bí quyết để Trương Hồng Anh thành công trên cương vị chỉ huy.

Trương Hồng Anh sống rất chân tình với đồng đội. Với cấp trên, anh khiêm tốn, lắng nghe, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Với cán bộ dưới quyền, bàn bạc dân chủ, không bao giờ hách dịch, nổi nóng. Với chiến sĩ, hết mực hòa đồng, thương yêu, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chỗ nghỉ ngơi tốt nhất dù là trong chiến tranh nên được mọi người yêu quý, tin tưởng.

Tướng Phan Thanh Dư, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 nhớ lại: Khi kết thúc chiến dịch cuối cùng trên mặt trận Pret Vi Hia, Trương Hồng Anh điện thoại về sở chỉ huy mặt trận 579 xin phép được đích thân vào kiểm tra trận địa, lúc này đã do quân ta làm chủ. Đó là phong cách chỉ huy của Trương Hồng Anh trên chiến trường và cái điều không muốn đã xảy ra. Chỉ vì tránh cho chiếc xe chở thương binh từ trận địa trở ra mà xe của Trương Hồng Anh đã trúng mìn chống tăng của địch cài bên đường và anh đã hy sinh.

Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi nhắc về người chiến sĩ liên lạc năm xưa của mình đã khẳng định: “Trương Hồng Anh có năng khiếu quân sự bẩm sinh. Tuy chưa được học hành cơ bản nhưng chỉ huy chiến đấu rất sáng tạo. Đây là một cán bộ có bản lĩnh, dũng cảm, chỉ huy nhiều trận đánh xuất sắc. Trương Hồng Anh hy sinh là một tổn thất lớn của Quân khu V và của quân đội lúc bấy giờ”.

Hàng năm, vào ngày 22/12, chúng tôi những người lính làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K. vẫn thường có những buổi họp mặt, ôn lại những ký ức của một thời gian khổ mà oanh liệt. Những lần như vậy, cái tên Sư trưởng Trương Hồng Anh lại hiện hữu trong từng câu chuyện buồn vui. Bởi ông là huyền thoại, là niềm tự hào một thời của những người lính trẻ chúng tôi./.