Huyện Hoằng Hóa: Khó khăn giải bài toán rác thải nông thôn?

DN&KTX - Hòa chung với nhịp phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá, nhiều năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh chóng đó, vấn nạn rác thải nông thôn cũng là "bài toán" không dễ giải đáp...

Vấn nạn dai dẳng

Về xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hỏi về vấn đề môi trường của địa phương, chúng tôi được một người dân hướng dẫn ra khu vực Sã Trúc, thôn Đằng Trung, kèm theo câu nói tin tưởng, trông cậy: “Ở đó đang tập kết rác đấy, ô nhiễm lắm, các anh cứ ra đó mà ghi hình, chụp ảnh, rồi về phản ánh giúp bà con”.

Tận mắt chứng kiến bãi rác ở khu vực Sã Trúc, hình ảnh chúng tôi bắt gặp đầu tiên là rác thải tràn lan, chất đống cao; mùi hôi thối của rác thải không được phân loại, ứ đọng lâu ngày, sộc thẳng vào mũi; thêm nữa, nước từ bãi rác rỉ ra màu đen ngòm, chảy xuống ao cá, ruộng vườn của người dân…

Anh Hoàng Đình Hùng (trú thôn Tứ Luyện, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa) - nhân viên thu gom rác của xã Hoằng Đạo thẳng thắn chia sẻ với phóng viên: “Tôi được thuê để vận chuyển rác của người dân Hoằng Đạo ra điểm tập kết, 2 ngày tôi chạy 1 lần, mỗi lần chạy khoảng 6 xe ba gác. Rác cứ đổ về đây đều đặn, nhưng phía công ty môi trường lại không đều đặn chở rác đi xử lý, bởi vậy mà không tránh khỏi ô nhiễm”, anh nói.

anh-2-1650531029.jpg
Nhân viên thu gom rác Hoàng Đình Hùng chia sẻ những bất cập trong việc đưa rác đi xử lý của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường Bút Sơn.

Chia sẻ về những bất cập trong công tác xử lý rác thải của địa phương, ông Hoàng Đình Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo thông tin: "Có hai nguyên nhân chính, thứ nhất trước năm 2020, trung chuyển rác của Hoàng Đạo thì các thôn gồm: Tứ Luyện, Hiền Thôn và Dư Khánh đưa về bãi rác Hoàng Đức của huyện. Từ năm 2020 trở về đây, bãi rác Hoàng Đức không nhận xử lý rác cho một số xã trong đó có Hoằng Đạo, cho nên dẫn đến tình trạng 3 thôn này dồn tất về đây, lượng rác tăng lên gấp đôi. Thứ hai, khi chuyển sang hợp đồng với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường Bút Sơn, xe của họ nhỏ hơn, lực lượng bốc của đơn vị này cũng không chuyên nghiệp lắm, vận hành cũng hơi bị chậm. Thứ ba, tôi hỏi các anh đem rác đến đâu, được biết trước năm 2021 đổ ở Đông Sơn. Nhưng bắt đầu sang năm 2021, Đông Sơn không cho đổ nữa buộc phải ra Bỉm Sơn, nên quãng đường dài hơn, khó hơn".

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo Hoàng Đình Hợp, trước việc quá tải, tồn đọng rác, UBND xã đã làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường Bút Sơn, có thời điểm giải quyết được dứt điểm, nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bị tồn đọng rác. "Trong tháng 4 này, chúng tôi sẽ làm việc lại với phía công ty, giải pháp cuối cùng sẽ là đóng cửa bãi rác, không trung chuyển nữa", ông Hợp nói.

Hiện trạng ô nhiễm rác thải trên địa bàn xã Hoằng Đạo cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Một số điểm nóng từng được báo chí và các cơ quan chức năng điểm tên như: Điểm tập kết rác xã Hoằng Thanh, điểm tập kết rác thải xã Hoằng Lộc, lò đốt rác tại xã Hoằng Đức.

anh-1-1650531029.jpg
Điểm trung chuyển rác tại xã Hoằng Đạo chắn cả lối đi ra đồng của người dân địa phương, thường xuyên rơi vào cảnh rác thải dồn ứ, bốc mùi hôi thối.

Theo số liệu của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoằng Hóa, hiện nay, Hoằng Hóa có dân số khoảng 236.694 người. Lượng rác thải rắn từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân thải ra môi trường khoảng 94,7 tấn/ngày, đêm. Tính trung bình công tác thu gom để đem đi xử lý rác tại các xã, thị trấn khoảng 65,6 tấn/ngày, đêm. Trong đó, tỷ lệ chất thải được xử lý bằng công nghệ đốt chiếm 61%, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm 39%.

Hiện 37/37 xã, thị trấn của huyện Hoằng Hóa đã ký hợp đồng với tổ thu gom rác, các đơn vị môi trường. Rác thải sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển về khu xử lý rác thải bằng lò đốt tại xã Hoằng Trường, Hoằng Đức hoặc đưa ra các khu xử lý tập trung. Tần suất thu gom rác thải trung bình 2 lần/tuần (khu vực thị trấn tần xuất 3 lần/tuần). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Tỷ lệ thu gom rác dù đạt 98% nhưng một số điểm công cộng vẫn tồn tại hiện tương tập kết rác thải gây mất mĩ quan, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; các bãi tập kết rác tạm không đảm bảo về mặt kỹ thuật vệ sinh môi trường (không được lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, khoảng cách một số bãi đến khu dân cư, trục đường chính thấp: 100-150m…).

Nhiều hạn chế, khó khăn?

Hiện, trên địa bàn huyện Hoằng Hoá có 03 dự án được xây dựng để xử lý rác thải sinh hoạt, thì cả 3 đều nảy sinh những bất cập, hạn chế. Cụ thể: Lò đốt rác thải công nghệ BD-ANPHA có công suất xử lý 14 tấn/ngày, đêm (đáp ứng xử lý khoảng 21,3% khối lượng rác được thu gom, vận chuyển đi xử lý) tại xã Hoằng Trường đã hoàn thành đầu tư xây dựng và được bàn giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng công nghiệp HTH quản lý vận hành; thế nhưng, do không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khiến cho việc duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn; hay như Dự án bãi xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh thị trấn Bút Sơn và các xã phụ cận đã đầy các ô chôn lấp, do đó, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của địa phương; hoặc Dự án lò đốt rác tại xã Hoằng Đức của Công ty TNHH Ecotech Thanh Hoá có công suất xử lý 15 tấn/ngày, đêm (trong đó 10 tấn rác công nghiệp thông thường và 05 tấn rác sinh hoạt); nhưng, phía công ty chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng để tiếp nhận rác sinh hoạt nên UBND huyện chưa định hướng chuyển lượng rác sinh hoạt phát sinh đến để xử lý theo quy hoạch.

anh-3-1650531029.jpg
Dự án lò đốt rác tại xã Hoằng Đức của Công ty TNHH Ecotech Thanh Hoá chưa hoàn thiện các công trình hạ tầng, đang bị người dân phản ánh vì gây ô nhiễm. 

Vì những bất cập trên mà một lượng lớn rác thải trên địa bàn huyện Hoằng Hóa buộc phải đưa đi xử lý tại các địa phương xung quanh, kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như: Chi phí vận chuyển cao, rác thải tồn đọng nhiều...

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác xử lý ô nhiễm rác thải, ông Nguyễn Văn Tiệm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết: “Một số hạn chế, khó khăn trong công tác xử lý rác thải nông thôn của địa phương, như: Các khu xử lý rác mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý rác thải của huyện, huyện đã quy hoạch dành quỹ đất cho khu xử lý rác thải tập trung và đang kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó còn nhiều địa phương chính quyền chưa sát sao, chưa dành nhiều kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; còn tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia hoạt động cộng đồng công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống...”.

Nguyễn Trường – Sơn Hà