Linh hoạt thích ứng với nhu cầu thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) (LĐ-TB&XH) cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường lao động của tỉnh ghi nhận đà phục hồi trở lại. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã bắt đầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để sản xuất - kinh doanh. Theo thống kê, 1.241 lao động đã đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm, tăng 2,03 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 58,28%.
Đã có 13 đơn vị DN tham gia Ngày hội việc làm năm 2024 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua. Nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các DN đợt này là hơn 6.500 người. Bên cạnh đó, gần 600 lao động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chủ yếu là đoàn viên thanh niên cũng đã đến tìm hiểu thông tin.
Qua tư vấn, tìm hiểu và đánh giá, có thể thấy nhu cầu tìm việc của lao động trẻ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Nhiều bạn trẻ quan tâm đến các vị trí việc làm không gò bó thời gian, có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao và có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Mặt khác, các bạn cũng không e ngại ứng tuyển trái ngành nghề đã đào tạo do đã tìm hiểu kỹ DN cũng như trao đổi thẳng thắn với nhà tuyển dụng.
Về phía các DN, nhiều chế độ đãi ngộ, đồng thời đa dạng hoạt động cộng đồng cũng đã được đưa ra nhằm thu hút lao động. Đại diện Nhân sự một DN tại huyện Cư Kuin cho biết ngoài mô tả công việc, mức lương, các chế độ đãi ngộ,... các lao động trẻ cũng thường tìm hiểu rất kỹ về về cơ hội phát triển bản thân. Vì vậy, trong chiến lược tuyển dụng, công ty cũng đã xây dựng vị trí các việc làm để người lao động có động lực phấn đấu, nâng cao giá trị và gắn bó lâu dài với công ty.
Mục tiêu là đào tạo nguồn lực chất lượng cao
Hai năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã chỉ đạo và triển khai đồng bộ việc kết nối đào tạo, đầu ra của các trường nghề đến với DN trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó đã đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đưa ra chủ trương tập trung xây dựng Trường Cao đẳng Đắk Lắk trở thành trường chất lượng cao. Đây sẽ là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực Tây Nguyên mà còn đào tạo lao động cho các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia…
Theo ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở các phiên giao dịch, ngày hội tư vấn việc làm về nông thôn. Mục tiêu là để tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, Trung tâm còn tăng cường kết nối với các trường đại học, trường nghề, khai thác triệt để nguồn lao động tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) để định hướng nghề nghiệp. Qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế có dân số vàng hiện nay, tỉnh có đầy đủ điều kiện hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.
Cùng với đó, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh hoạt động phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo. Mục tiêu chung là bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững./.