Hội chữ Xuân 2024 tôn vinh các giá trị văn hóa tư tưởng về đạo học, khuyến học

Hội chữ Xuân với điểm nhấn là Triển lãm thư pháp “Hiếu học” nhằm đề cao tinh thần hiếu học từ ngàn đời. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong những ngày Tết và đem lại những cảm xúc, năng lượng tích cực đến công chúng khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám.
hoi-chu-xuan-giap-thin-01-1707031840.jpg
Khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 và triển lãm thư pháp "Hiếu học".

Chiều tối ngày 3/2, Hội chữ Xuân Giáp Thìn và Triển lãm thư pháp “Hiếu học” chính thức khai mạc trong khuôn viên hồ Văn, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là hoạt động chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024.

Đây là năm thứ 10 Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân. Hội chữ năm nay được mở rộng không gian với các gian thư pháp xung quanh hồ Văn, các hoạt động cộng đồng diễn ra ở sân trước, giúp cho công chúng tiếp cận với người viết thư pháp một cách thuận lợi, với sự tham gia của 40 người viết đến từ nhiều tỉnh, thành phố, được khảo tuyển một cách kĩ lưỡng.

hoi-chu-xuan-giap-thin-02-1707031828.jpg
Trình diễn bức thư pháp lớn - "Hiếu học" tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân, năm mới.

Cùng với viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động mang tính truyền thống để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng…

hoi-chu-xuan-giap-thin-03-1707031885.jpg
Không gian cho chữ của các ông đồ được sắp đặt rất cuốn hút du khách.

TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Hội chữ Xuân năm nay đề cao tính văn hóa, tinh thần phục vụ của người viết thư pháp, để làm sao hội chữ Xuân là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong những ngày Tết và đem lại những cảm xúc, năng lượng tích cực đến công chúng khi đến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám”.

Triển lãm thư pháp “Hiếu học” với điểm nhấn là gian trưng bày các tác phẩm thư pháp, được thể hiện đa dạng với các thể chữ truyền thống: Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo và một số lối viết khác. Điểm nhấn là hai hàng cột chữ thư pháp mà các tác giả đã khai thác từ những câu văn, đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân… nhằm đề cao tinh thần hiếu học từ ngàn đời.

Bên cạnh đó là 50 tác phẩm thư pháp chữ Hán Nôm và thư pháp chữ Quốc Ngữ được sắp xếp vòng quanh hồ Văn. “72 mặt chữ ở hai hàng cột đại diện cho 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử, ẩn ý rằng chúng ta hãy noi theo tấm gương học hành của các bậc tiền nhân để tiếp bước con đường xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. 100 chiếc đèn lồng được thắp sáng bên trên, được viết bằng mực nho trên lụa La Khê (Hà Nội) mang hàm ý trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, phát huy sự học” - giám tuyển Xuân Như Vũ Thanh Tùng nói.

hoi-chu-xuan-giap-thin-04-1707031957.jpg
Triển lãm "Hiếu học" được thiết kế như không gian sắp đặt của ánh sáng và chữ với 9 hàng cột đôi, tạo thành con đường chữ thu hút.

Anh Lưu Thanh Hải, đại diện cho những người viết thư pháp trong Hội chữ Xuân Giáp Thìn cho biết đây là một hoạt động văn hóa thiết thực nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, tư tưởng về đạo học, khuyến học, khuyến tài. Anh cũng là người đề xuất và tổ chức phố “ông đồ” lần đầu tiên tại TP.HCM năm 2007, sau đó nâng cấp thành lễ hội Tết Việt được tổ chức thường xuyên đến nay, tạo sự lan tỏa thư pháp chữ Quốc ngữ đến đông đảo công chúng.

Triển lãm có sử dụng ánh sáng kết hợp chữ để tạo không gian sắp đặt nghệ thuật thị giác hấp dẫn người xem. Triển lãm được lên ý tưởng, xây dựng, thiết kế, sắp đặt và trưng bày bởi Thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng điều hành, giảng sư thư pháp Nhân Mỹ học đường. Hội chữ Xuân sẽ kéo dài đến ngày 19-2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa từ 8h-22h hằng ngày.

Theo Giám đốc Lê Xuân Kiêu, việc bố trí không gian Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 ở khu vực Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự mới mẻ so với những năm trước, giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa tới đông đảo người dân và du khách./.

Bình Châu