Hội cha mẹ học sinh – Những vị đắng âm thầm

Nhiều năm gần đây, thay vì thảo luận sôi nổi các kế hoạch dạy học của trường, của lớp, nhiều cuộc họp phụ huynh diễn ra trong không khí nặng nề với thông báo về những khoản đóng góp không ngờ tới(?)

Nhận giấy mời họp hội cha mẹ học sinh (CMHS) đầu năm học từ tay cậu con trai vừa bước vào lớp 6, chị Nga không khỏi băn khoăn thắc mắc. Quái lạ! Bao năm đi họp cho con và ngày xưa được cầm giấy mời họp phụ huynh lớp về đưa cho cha mẹ, chẳng thấy khi nào người ký giấy mời họp lại là hội trưởng hội CMHS thế này? Ngẫm nghĩ một hồi, chị Nga mường tượng lại tất cả những gì đã diễn ra trong năm học vừa qua của các con và tự nhủ: Có lẽ vậy, Hội CMHS bây giờ đại diện cho cả nhà trường.

Lẽ thông thường, cuộc họp đầu năm học là lúc để Nhà trường, GVCN làm việc với phụ huynh bàn về kế hoạch dạy và học của thầy và trò nhà trường, trao đổi với cô chủ nhiệm các thông tin thêm về con em mình để cô tiện quan tâm theo dõi. Nhiều năm gần đây, thay bằng việc bàn bạc sôi nổi các kế hoạch dạy học của trường, của lớp, cuộc họp phụ huynh diễn ra trong không khí nặng nề với thông báo về những khoản đóng góp nhiều khi không ngờ tới. Người triển khai nhiệm vụ chính trong công việc này là các vị hội trưởng hội CMHS. Còn nhớ năm học trước, vị phụ huynh lớp con chị đứng lên ấp a ấp úng. Các khoản đóng góp được thông báo chóng vánh, và không quên bàn thêm đến việc dồn tiết học trên lớp để trống số buổi cho các con được học nâng cao.

111-1667556094.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: webdoisong.net)

Không thể phủ nhận, hội CMHS ra đời đã trở thành sợi dây kết nối tuyệt vời giữa gia đình và nhà trường. Nhờ sự tích cực, nhiệt tình của những bậc làm cha mẹ, các công việc của trường, của lớp đến người học được triển khai một cách rất dễ dàng. Đây cũng là một cánh tay phải đắc lực luôn sát cánh cùng giáo viên chủ nhiệm, đồng hành cùng các con trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, ngoại khoá. Nhiều khi thầm nghĩ: Thật may mắn vì có Ban đại diện CMHS của lớp, tuyệt vời hơn là phần lớn họ đều ở gần, công việc tự do, có nhiều thời gian cho con nên có thể hỗ trợ các hoạt động của lớp bất cứ lúc nào cần. Nhiều vị phụ huynh trong Ban đại diện đã không ngần ngại bỏ cả ngày làm việc thu nhập tiền triệu, sẵn sàng lên hỗ trợ cô giáo sửa sang lớp học, trang trí cho các con có một không gian đẹp nhất, cũng có người dậy sớm thức khuya tất bật chuẩn bị cho các con có một chuyến đi picnic hay một buổi ngoại khoá trọn vẹn, đủ đầy, tham gia cổ vũ và động viên khích lệ các con trong các cuộc thi quan trọng. Nhiều cha mẹ rất thương con mà không đồng hành cùng con được, chỉ biết gửi gắm tấm lòng nhờ đại diện hội CMHS lo giúp các con. Mọi ấn tượng về hội CMHS sẽ thật tốt đẹp nếu chỉ dừng ở đó!

Lạm dụng vai trò, chức năng của hội, nhiều nhà trường, nhiều GVCN đã biến hội CMHS thành công cụ tiếp tay cho việc làm tiêu cực, trao thêm cho họ những quyền hạn, nhiệm vụ không thuộc về mình ! Đơn giản nhất là việc ký giấy mời cha mẹ học sinh đi họp, người đứng ra tổ chức không phải lãnh đạo nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm, họ sẵn sang đẩy quyền đó cho hội CMHS. Điều đáng nói là: chủ thể mà CMHS cần phối hợp để bàn về việc giáo dục con trên lớp là nhà trường, là GVCN chứ không phải hội CMHS. Một điều lạ, là tại nhiều cuộc họp, người ta không còn chuộng những người có học thức, có hiểu biết và tâm huyết với công tác giáo dục tham gia vào Ban đại diện. Thay vào đó, là những người buôn bán, có điều kiện, dễ thoả hiệp, và nhất là ủng hộ các nội dung mà nhà trường đưa ra. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi tiền quỹ lớp và tiền ủng hộ của các con vượt lên quá tầm kiểm soát. Vị hội trưởng phụ huynh nọ tuyên bố rất hùng hồn: “Đã bầu tôi là tôi quyết rất mạnh, đóng góp như thế cũng chỉ để lo cho các con của chúng ta”. Tâm lý hơn thua cũng trở thành căn bệnh trong chính các bậc phụ huynh. Vì muốn các con lớp mình ra dáng lớp chọn, ăn chơi cũng phải xứng tầm nên các vị trong Ban đại diện không ngần ngại đầu tư cho lớp con mâm cỗ trung thu thật hoành tráng, nhất định phải nổi bật và sang trọng vượt trội so với lớp khác. Có một điều mà họ không hiểu, hoặc cố tình không hiểu: Ngay đến tấm áo đồng phục mà con họ mặc mỗi ngày cũng chỉ vì để các con được bình đẳng, xoá đi mặc cảm về khoảng cách giàu nghèo.

thu-hoc-phi-1667556523.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: veconomy.vn)

Lại nói về cách lựa chọn thành viên tham gia hội trưởng Hội CMHS, rất nhiều cô giáo đã không ngần ngại thiết tha chỉ định ngay các ông bố, bà mẹ ở nhà kinh doanh dịch vụ. Họ có cả điều kiện thời gian, kinh tế và sẵn sàng đáp ứng việc cô giao. Hài lòng là thế, công việc trơn tru là thế mà bỗng một ngày, cô giáo kia tái mặt! Kết quả chấm giải mâm cỗ trung thu vừa được thông báo thì cũng là lúc vị hội trưởng hội CMHS nọ đứng phắt dậy văng tục, chửi thề, họ bày tỏ thái độ không phục cách đánh giá của ban giám khảo… Câu chửi thề còn kéo dài chưa ngớt thì nét mặt cô cũng đỏ ửng xấu hổ vì bộ trang phục mà vị hội trưởng kia mặc đưa con đến lớp chỉ hợp với lúc bay nhảy ở vũ trường. Sự đóng góp của họ cho trường, cho lớp nhiều khi khiến thầy cô khó xử trong việc sắp xếp, ưu tiên hoặc thiếu khách quan trong đánh giá học trò.

Mối quan hệ mật thiết giữa hội CHMH với nhà trường còn trở nên kệch cỡm hơn khi một ngày nọ, tài khoản mạng xã hội nào đó không dấu nổi niềm tự hào xúc động: “Đầu năm học được nhà trường mời đi họp hội trưởng hội CMHS và mời oánh chén một bữa no nê!”. Dòng trạng thái sau khi đăng tải nhận được biết bao lời khen ngợi vị phụ huynh nọ đảm việc nhà mà không quên việc lớp. Nhưng nó cũng ẩn chứa nụ cười chua xót của biết bao bậc cha mẹ học sinh từng buồn lòng chứng kiến sự tận tình của hội CMHS với những việc tiếp tay cho các vấn nạn của học đường. Sâu trong thâm tâm mỗi người tự hỏi: đó là tấm lòng chân thành của những người làm giáo dục, hay là miếng pho mát trên chiếc bẫy mang tên gọi “lạm quyền, lạm thu”?

Câu chuyện giáo dục và tổ chức mang tên Hội CMHS còn rất nhiều nan giải. Biết làm sao để gạn đục khơi trong? Làm sao để phát huy hết vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác phối hợp với nhà trường và thầy cô chủ nhiệm? Làm sao để những hạt sạn mang tên hội CMHS kia không đưa họ tìm đến con đường giải thể trong nay mai?

Huyền Thương