Sau 3 năm thực hiện đề án về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại bền vững, bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương.
Phát triển du lịch dựa trên lợi thế, tiềm năng
Những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón gần 2,9 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 2.928 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 33%, đạt 64% kế hoạch năm. Tuy nhiên, những con số này được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực. Tỉnh Hòa Bình đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của lòng hồ thủy điện. Trong đó, khẩn trương phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch đến năm 2030, kết hợp với du lịch trải nghiệm, chăm sóc và thưởng thức ẩm thực với đặc sản cá lòng hồ.
Ông Kiều Đình Đa - Trưởng phòng Văn hóa thông tin UBND TP. Hòa Bình cho biết: "Homestay bè mảng trên lòng hồ mới chỉ mang tính tự phát, chưa đi vào quy củ. Bè mảng nhà nổi chỉ chủ yếu đưa đón khách vào ăn uống, chưa có lưu trú, chưa phải là khu du lịch mang lợi thế mạnh của Hòa Bình. Do vậy, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND TP. Hòa Bình để làm sao quản lý được bè mảng, đón được nhiều du khách đến lưu trú tham quan".
Với diện tích rừng tự nhiên trên 4.500 km2, tỉnh Hòa Bình tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Trong đó, các loại hình du lịch cộng đồng được phát triển tại một số địa phương như huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, muốn phát triển du lịch sinh thái tại khu vực rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, cần sớm có hướng dẫn của Chính phủ. "Đã có nhiều kiến nghị sau khi sửa đổi Luật Đất đai mới thì cũng đã sửa Luật Lâm nghiệp có quan điểm rất mở, đó là phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là cho vào khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có hướng dẫn của Chính phủ sửa đổi Nghị định 156, nếu sửa đổi Nghị định 156 thì đây là hướng đi rất tốt".
Đa dạng các sản phẩm du lịch và tăng cường kết nối
Để nâng cao hiệu quả du lịch, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với vui chơi giải trí chất lượng cao, tổ chức các giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế, phát triển môn dù lượn... để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Những năm qua, Hòa Bình tích cực đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông về du lịch của tỉnh. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch. Thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng liên kết với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục triển khai nội dung chuyển đổi số về du lịch, duy trì và phát triển Cổng du lịch thông minh tỉnh.
Tỉnh Hòa Bình cũng tích cực tổ chức nhiều sự kiện, ngày hội, chương trình kích cầu du lịch… Cụ thể như mời các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nội địa và các cơ quan truyền thông trong, ngoài tỉnh (các đoàn Famtrip, Presstrip) dự các chương trình kích cầu để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, điểm du lịch hoặc đến các địa phương có du lịch phát triển, nhiều tiềm năng để khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Xây dựng phim, các video, clip, ấn phẩm du lịch để quảng bá du lịch chung của tỉnh, Khu du lịch hồ Hòa Bình và du lịch các địa phương trên các phương tiện truyền thông cũng như tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo, liên hoan du lịch trong khu vực và trên cả nước. Xây dựng các pa nô, biển sơ đồ tuyến điểm, biển quảng bá du lịch...
Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì các trang thông tin của Sở VH,TT&DL, website Khu du lịch hồ Hòa Bình, Cổng du lịch thông minh tỉnh góp phần giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội độc đáo, dịch vụ lữ hành, gợi ý tour... và đăng tải những hình ảnh đẹp để quảng bá các khu du lịch đặc sắc của tỉnh.
Ông Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: "Trong bối cảnh nền tảng công nghệ số phát triển, các địa phương nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng cần đẩy mạnh việc đăng tải thông tin trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo… nhằm kết nối, mở rộng thị trường khác hàng.
Đẩy mạnh hoạt động số hóa các tài liệu quảng bá, xúc tiến du lịch giúp du khách có thể tra cứu, thu thập dữ liệu, nắm bắt thông tin về hoạt động du lịch nhanh chóng, chính xác. Tích cực tham gia các hội chợ thương mại và du lịch, du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước để cùng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương đến người tiêu dùng và khách du lịch trong nước, quốc tế”./.