Hòa Bình: Phấn đấu đưa 05 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn trong năm 2023

Theo phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Hòa Bình là: 1.573.509 triệu đồng.

Hiện nay các đơn vị, địa phương được giao và phân bổ nguồn vốn năm 2022 đang tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần, nội dung của Chương trình. Việc giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước của Chương trình năm 2022 còn chậm, đến thời điểm báo cáo mới giải ngân được khoảng 8% vốn kế hoạch giao do đến cuối tháng 5/2022 Trung ương mới có Quyết định giao, phân bổ cho các địa phương và đến tháng 10/2022, tỉnh mới ban hành được cơ bản các văn bản quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

hb-1673224848.jpg
Cứng hóa giao thông nông thôn tạo điều kiện cho các xã thoát nghèo

Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành các văn bản thực hiện. Bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình được kiện toàn, thành lập theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc phân bổ chi tiết vốn được kịp thời triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; Quyết định 1070/QĐ-BTC ngày 10/6/2022 của Bộ Tài chính đảm bảo phù hợp theo nguyên tắc, tiêu chí và trình tự theo quy định hiện hành. Các Văn bản về Kế hoạch tổ chức triển khai được điều chỉnh kịp thời phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị chủ chì, phối hợp trong công tác tham mưu để ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều vướng mắc do một số Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Các địa phương gặp khó khăn trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư do nhu cầu đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn là rất lớn, nhiều nội dung cần đầu tư gắn với hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực chủ yếu là nguồn lực công, chủ đạo của ngân sách Trung ương việc huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ của dự án thuộc Chương trình.

Đối với năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh giao 813.580 triệu đồng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình gồm: Vốn đầu tư phát triển: 361.171 triệu đồng; Vốn sự nghiệp: 452.409 triệu đồng. Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao các Sở, ngành có liên quan tổng hợp trình phương án phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thành phần, nội dung của Chương trình trong năm 2023, đồng thời cân đối bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định.

Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023, dự kiến phấn đấu có 05 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5-3%. Trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%.

Năm 2023, tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan tham mưu thể chế các văn bản quy định của trung ương để triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh về quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh kế hoạch năm 2022 kéo dài thực hiện sang năm 2023.

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh kế hoạch năm 2023; thực hiện phân bổ chi tiết kinh phí vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp kế hoạch năm 2023 cho các đơn vị, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo quy định. Thực hiện việc rà soát giao chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu số xã, thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn của các huyện, thành phố đến năm 2025. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn./.

Lê Thùy