Quảng cáo #128

Hòa Bình: Khẳng định thương hiệu cam Cao Phong trên thị trường

Cam Cao Phong đang từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu. Không chỉ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ quốc gia, cam Cao Phong còn là 1 trong 39 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU. Mở rộng thị trường tiêu thụ, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm nay chính là cơ hội cho các bên.

Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014; năm 2016, được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5". Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines… 

Với chất lượng cam có vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng, nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với nhu cầu thị trường. Huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng 18.000 tấn; trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha.

Với tiềm năng phát triển cam trong nhiều năm qua, chính quyền huyện Cao Phong luôn chú trọng xây dựng thương hiệu cam; khuyến khích định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các công nghệ sinh học; tổ chức quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ, thực hiện chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững. 

Anh Hoàng Văn Lương, người trồng cam huyện Cao Phong, Hòa Bình, chia sẻ: "Trên địa bàn Cao Phong chúng tôi, cây cam mang lại giá trị hiệu quả kinh tế tốt hơn so với cây trồng khác. Ngoài ra, người lao động, các tổ chức, cơ quan từ cơ sở đến trung ương tạo điều kiện để xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong".

7f3fa4635790511edba71b765a1e6746-1669208524.jpg
Cam Cao Phong đang vào kỳ thu hoạch. Ảnh minh họa

Hơn 8 năm qua, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, khẳng định thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình. Cùng với việc tạo lập, để giữ thương hiệu, huyện Cao Phong đã thành lập Ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát, tránh trà trộn cam các nơi khác mạo danh cam Cao Phong.

Năm 2018, huyện đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc có bao bì và logo riêng để người tiêu dùng dễ nhận biết. Ngoài ra, một số dự án nhà máy sơ chế ban đầu đã manh nha hình thành, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu cho cam Cao Phong.

Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Phong sản xuất chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGap. Đến cuối tháng 11/2022, huyện Cao Phong sẽ tiến hành tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7, nhằm quảng bá, xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm kết nối nông sản cam Cao Phong đối với thị trường trong nước.

Thi Nguyên (t/h)