Nghị định này quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện: Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Mục đích sử dụng vốn vay, đó là sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở, 40 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở.
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các quy định trên; Ủy ban Dân tộc ban hành hướng dẫn các địa phương xác nhận, tổng hợp, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách trong quý II năm 2022 làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo thẩm quyền.
Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạc; Thực hiện cho vay các chính sách tín dụng đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích theo quy định.