Khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập cùng thế giới, việc xây dựng các hiệp hội là tất yếu khách quan. Trước đây, các hiệp hội hầu hết do Nhà nước thành lập và thành viên cũng chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, vì vậy hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đã có sự chuyển biến rất lớn về vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong đời sống kinh tế, xã hội so với trước đây.
Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO với những cam kết quan trọng là Nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các Viện, Trung tâm nghiên cứu… thì vai trò của các hiệp hội thực sự được khẳng định và vị thế cũng từ đó nâng cao hơn. Để đáp ứng tình hình nhiêm vụ mới, nhiều tổ chức, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đã tự nguyện liên kết và thành lập hiệp hội (Association), nhằm tạo môi trường cho các đơn vị thành viên, hội viên giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất và tìm kiếm cơ hội nghiên cứu, ứng dụng, kinh doanh, hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại thực trạng là nhiều đơn vị chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của hiệp hội. Thậm chí nhiều hiệp hội được thành lập nhưng hoạt động chưa mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế, phương thức tổ chức và hoạt động chưa thật sự đi vào chiều sâu.
Lý do chính dẫn đến tình trạng này là do nhận thức, một thời gian dài quá phụ thuộc vào Nhà nước, coi hiệp hội chỉ là tổ chức phụ trợ, thứ yếu, mà không thấy được rằng, hiệp hội ngành nghề mới là tổ chức giữ vai trò chính yếu, thực sự hỗ trợ tích cực cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Điều này đã được thể hiện qua việc rất nhiều trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế đã được giải quyết là nhờ các hiệp hội chủ động đứng ra thực hiện với tư cách tổ chức phi chính phủ, mặc dù sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng.
Sự ra đời của các hiệp hội ngành - nghề là xu thế tất yếu, nhằm tác động tích cực vào nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, tổ chức lưu thông sản phẩm, tham mưu, phản biện giúp cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển các ngành, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển chung.
Thực tế còn cho thấy, các hiệp hội ngành - nghề hoạt động hiệu quả thực sự đóng vai trò trung gian, tích cực góp phần thỏa mãn nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của các đơn vị thành viên hiệp hội, đã giúp giải quyết tốt mối quan hệ đan xen giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa doanh nghiệp với xã hội. Đây là vấn đề nhận thức, khi hiểu rõ tính chất, vai trò của mình tất sẽ tìm ra phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả.
Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam từ khi được thành lập luôn thể hiện vai trò là cầu nối giữa các tổ chức thành viên với các Bộ, ngành trung ương, địa phương và Chính phủ, nắm bắt và phản ánh những khó khăn của đơn vị thành viên trong lĩnh vực hoạt động đầu tư, xây dựng và dịch vụ nông lâm nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giúp tổ chức, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trong giai đoạn nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam, Hiệp hội đã thực sự là cầu nối, tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác, nắm bắt thông tin trong nước, khu vực và thế giới, tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Hiệp hội đã trở thành một sân chơi rộng lớn của các doanh nghiệp trong nước với các nước ASEAN, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và một số quốc gia trên thế giới.
Phản biện chính sách là một trong những chức năng của Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam, được coi là nhiệm vụ quan trọng và Hiệp hội thực hiện khá thành công. Phản biện chính sách về phát triển nông, lâm nghiệp bao giờ cũng được Hiệp hội quan tâm như tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật với Nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn chú trọng công tác phát triển đơn vị thành viên, hội viên, không chỉ số lượng mà cả chất lượng, chú trọng tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho hội viên trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và dịch vụ nông lâm nghiệp.
Hiệp hội luôn chủ động làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp thành viên tại các địa phương để nắm bắt nguyện vọng cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi văn bản pháp luật, phát hiện những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh hay những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cũng như phát triển tại các địa phương đều là những vấn đề đã xuất hiện trên thực tế nhưng cơ chế chính sách của nhà nước chưa theo kịp, chưa điều tiết cho phù hợp.
Hiệp hội đã, đang và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành khóa I thông qua các hoạt động cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thành viên trong lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp, làm cầu nối với các Bộ, ngành trung ương, địa phương, các trung tâm nghiên cứu khoa học. Đồng thời, Hiệp hội còn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, từng bước xây dựng hệ thống thông tin thị trường đầu tư, xây dựng và dịch vụ công khai, minh bạch, góp phần phát triển hoạt động sản xuất và đưa các sản phẩm nông lâm nghiệp Việt Nam không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Thị trường đầu tư, xây dựng và dịch vụ nông lâm nghiệp Việt
Trong 5 năm qua, Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ của Hiệp hội đã đề ra, góp phần xây dựng nền Nông - Lâm nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Với một tổ chức, 5 năm là giai đoạn rất ngắn cho quá trình hình thành và phát triển. Tuy vậy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam luôn là một tập thể đoàn kết gắn bó giữa lãnh đạo, các thành viên trong Ban chấp hành với thành viên trong toàn Hiệp hội.
Hiệp hội đã quy tụ được những con người nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, dưới một mái nhà chung. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung khảo sát, giới thiệu, trưng bày và kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP, Oganic, VietGAP của các vùng miền ra các địa phương, khu vực và thế giới.
Hiệp hội đã tích cực tham gia các hoạt động hội thảo do các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội như: Ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Tham gia các hội nghị, hội thảo của Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; Ký biên bản hợp tác với Công ty CP Đầu tư thương mại Xuất nhập khẩu phân phối Sun Hee DC Group…
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ hoạt động thực tiễn trong thời gian qua cùng với nhận thức mới, cách làm mới, chắc chắn thời gian tới, Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam sẽ phát triển ổn định, bền vững. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Hiệp hội sẽ phát huy và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức, để vươn lên.
Trong tương lai, Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của một tổ chức xã hội, nghề nghiệp, trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.