Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đặt ra mục tiêu chung là: hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000 ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa; đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với sản lượng 13,0 triệu tấn lúa. Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030 gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Yêu cầu tất yếu là phải tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo ĐBSCL và phải nâng lên một tầm cao mới trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, hướng đến xu thế tiêu dùng xanh. Các chuyên gia, địa phương cùng tiếp cận tham gia xây dựng thương hiệu gạo từ chương trình 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện Đề án.
Doanh nghiệp cần đồng hành cùng nông dân để cùng canh tác bền vững theo xu thế thị trường, thân thiện môi trường. Cần tư duy hệ thống từ cấp bộ ngành đến cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để cùng liên kết và cùng tham gia hành động…
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, Đề án này phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước về giữ vững vai trò lúa gạo làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; bảo vệ và sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định, Đề án được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.
Vì vậy, khi triển khai thực hiện Đề án, không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân mà còn phải đảm bảo đa mục tiêu trong tình hình mới gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm được lượng khí metan (mê-tan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính) do canh tác lúa gây ra; góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất từ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững của các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng./.