Vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL trúng mùa được giá

Vụ lúa Đông Xuân 2023 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 1,5 triệu ha, cơ cấu giống tập trung vào giống lúa thơm, đặc sản để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, một số trà lúa sớm ở một số địa phương trong vùng đã bắt đầu thu hoạch, lúa năm nay được mùa, trúng giá nên người dân rất phấn khởi.

Được biết, tại Cần Thơ, vụ lúa Đông Xuân năm nay địa phương xuống giống hơn 75.000 ha và cơ cấu giống tập trung vào lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 94% để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Thời điểm này, chưa phải là cao điểm thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, nhưng người dân đã nhận cọc và bán những trà lúa sớm cho thương lái, doanh nghiệp với mức giá cao hơn so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, gia đình có gần 2ha trồng lúa OM 18 và đã được thương lái thu mua với giá 6.800 đồng/kg. Năm nay lúa được mùa, trúng giá nên người trồng lúa rất phấn khởi. Giá lúa cao có thể do nhu cầu nhập khẩu của các nước và sự thay đổi trong canh tác đã nâng cao giá trị và chất lượng lúa gạo thời gian qua.

“Năm nay, bà con rất phấn khởi, được mùa mà lúa có giá. Mọi năm vụ Đông Xuân lời khoảng 2 triệu/công. Năm nay, lợi nhuận gấp đôi khoảng 4 triệu/công trừ hết các khoản chi phí đầu tư, đầu vào. Năm nay ,lúa trúng khoảng 9 đến 10 tấn/ha”, ông Việt vui mình chia sẻ.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất lúa trên địa bàn Cần Thơ bình quân đạt từ 8 đến 9 tấn/ha và cao nhất trong những vụ Đông Xuân trở lại đây. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay đã có một số trà lúa sớm của người dân thu hoạch, dự kiến cuối tháng 2 và đầu tháng 3 diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn Cần Thơ sẽ thu hoạch khoảng 80%, số còn lại thu hoạch muộn hơn khoảng 1 tháng.

Theo ông Trần Thái Nghiêm cho biết, người dân tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp rất vui mừng khi giá lúa đang ở mức cao và những diện tích liên kết đang được doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ các đơn hàng đã ký kết. Đối với những vùng người dân chưa liên kết thì thương lái cũng đang tất bật thu mua lúa cho người dân giá bán cao hơn so với cùng kỳ từ 10 đến 15%.

lua-gao-8952-1676881628.jpg

Ảnh minh họa.

Hiện nay, giá bán lúa Đài Thơm 8, Jasmine 85 đang được thương lái thu mua với giá từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; đối với giống lúa RVT và giống lúa thơm, đặc sản được thương lái thu mua từ 7.200-7.500 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ hết chi phí tuỳ từng giống lúa người dân có lãi lên tới 35 triệu đồng/ha ở vụ lúa Đông Xuân năm nay.

“Vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023, bà con canh tác lúa trên địa bàn thành phố cơ bản thuận lợi, tình hình sâu bệnh cũng xuất hiện do đó chi phí sản xuất ở mức so với trung bình nhiều năm. Theo một số diện tích bà con đã thu hoạch và tình hình trà lúa trên đồng ruộng cũng dự báo, hứa hẹn vụ Đông Xuân này bà con có khả năng lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/ha tuỳ từng giống”, ông Trần Thái Nghiêm thông tin thêm.

Giá lúa ở mức cao như hiện nay là nhờ tín hiệu xuất khẩu gạo những tháng đầu năm thuận lợi, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cùng với đó là một số nước đang tăng cường thu mua gạo để dự trữ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm ổn định, giá bán vẫn đang cao và tín hiệu vui khi vụ lúa Đông Xuân người dân trúng mùa, được giá. Hiện nay, nông dân chuyển đổi canh tác sang những giống thơm, đặc sản, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh những thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang khai thác thêm một số thị trường mới ngay những tháng đầu năm.

“Thị trường cũng ổn định, các doanh nghiệp đang khai thác một số thị trường mới, sản xuất của mình tiếp tục được mùa, thời tiết cũng thuận lợi, thị trường tiếp tục ổn định, giá thu mua ở mức cao. Trong sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, thị trường của mình cũng được mở rộng”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn với giá trị hơn 3,4 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu đều đánh giá cao chất lượng gạo của Việt Nam, điều này đã khẳng định về chất lượng và định hướng phát triển của ngành hàng lúa gạo thời gian qua.

Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm ở vùng ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ. Người dân vui mừng khi lúa trúng mùa, được giá, doanh nghiệp xuất khẩu an tâm với các đơn hàng xuất khẩu và tiếp cận thêm các thị trường tiềm năng để khẳng định chất lượng, thế mạnh và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thi Nguyên (t/h)