Hải Dương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng, tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu.

Theo kế hoạch, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm thủy sản của tỉnh đạt bình quân 3% trên năm. Xây dựng được 25-30 cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Đồng thời, đặt mục tiêu nâng tỷ trọng trồng trọt – lâm nghiệp lên 52%, chăn nuôi – thủy là 43% và dịch vụ chiếm 5%.

hai-duong-1645781645.jpg
Vùng chuyên canh dưa hấu tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Trong thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực như: gạo, cà rốt, quả vải, hành, tỏi... Ưu tiên nguồn lực phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nổi bật của tỉnh ở như: Vùng vải thiều (Thanh Hà, Chí Linh), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh), hành tỏi (Kinh Môn, Nam Sách), sản xuất lúa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại (Tứ Kỳ, Kinh Môn)...

Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhấn mạnh đến nội dung áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng nguồn nước các lưu vực sông và hệ thống thủy lợi đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

UBND tỉnh Hải Dương định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo tiêu chuẩn OCOP.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa. Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao trình độ lao động, đi đôi với phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, triển khai gắn mã quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản.

Dương Minh