Hà Tĩnh: Thí điểm mô hình “Sản xuất lúa, kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ”

Huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa triển khai sản xuất lúa hữu cơ và phục hồi tái tạo nguồn rươi tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang. Bước đầu mô hình đã cho những tín hiệu khả quan.

Mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” được triển khai trên quy mô 17,5ha tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) với 75 hộ tham gia; trong đó có khoảng hơn 5ha đã xuất hiện rươi.

imagesthumb6ae7a2c7-c62c-4c5c-b06a-b49771215b3e-1662342941.jpg
Lãnh đạo địa phương, các đơn vị, người dân tham quan thực tế tại cánh đồng mô hình sản xuất lúa rươi tại thôn Đậu Giang.

UBND huyện Kỳ Anh vừa tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo về tiến độ triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ và phục hồi tái tạo nguồn rươi tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang.

Tham dự có đại diện lãnh đạo địa phương, đại diện Tập đoàn Quế Lâm; đại diện Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO; Chủ các cơ sở HTX Nguyên Lâm; HTX Phú Quý; HTX Bánh đa, bánh mướt Chợ Cầu; Doanh nghiệp Cường Hới; Cửa hàng thực phẩm Hải Trang..., cùng cấp ủy đảng, chính quyền và 67 hộ dân thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang.

Trước đó, các địa biểu tham dự hội nghị đã đi kiểm tra cánh đồng lúa hữu cơ và trực tiếp xem người dân "đào rươi" tại cánh đồng lúa hữu cơ thôn Đậu Giang

imagesthumb77a00c5b-f99e-49cf-9cef-b680b0d7485d-1662342984.jpg
Trên cánh đồng của mô hình lúa rươi, đã xuất hiện rươi.

Được biết, các hộ tham gia mô hình được huyện hỗ trợ đắp bờ bao, xây cống cấp thoát nước, hỗ trợ quy trình kỹ thuật và tập huấn chuyển giao công nghệ cũng như liên kết đầu ra cho lúa hữu cơ. Đồng thời phối hợp với Công ty Quế Lâm để cung ứng vật tư phân bón các loại; được cán bộ Trung tâm UDKHKT & BVCTVN huyện và xã chỉ đạo hướng dẫn từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch.

Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ giúp bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống cũ, chuyển từ sử dụng phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và chăm sóc theo quy trình tổng hợp từ gieo cấy đến thu hoạch.

Trong sản xuất lúa, bà con không còn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ. Đây cũng là môi trường lý tưởng cho rươi sinh trưởng và phát triển, qua kiểm tra rươi sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống cao.

imagesthumb8bcca76a-aa98-40f0-a550-c3afc9fa67c6-1662343066.jpg
Các hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa, rươu tham gia hội nghị.

Thành công bước đầu của mô hình đã tạo niềm tin, động lực cho nhân dân trong thôn Đậu Giang yên tâm sản xuất. Đồng thời, giúp cho nông dân nâng cao nhận thức về việc cần thiết phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là những vùng có tiềm năng phát triển cả lúa và rươi như: sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, tạo môi trường sinh thái sạch, có lợi cho rươi phát triển ...từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Đây là mô hình mới, thiết thực, tăng thu nhập ổn định cho người nông dân. Từ thành công của mô hình, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ ra địa bàn toàn xã Kỳ Khang.

Nguyễn Duyên