Theo đó, dự án Khu đô thị mới Liên Ninh do UBND huyện Thanh Trì đề xuất có vốn đầu tư dự kiến 1.423,4 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 27,7ha (>25ha). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất). Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022 đến năm 2026.
Mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết được duyệt, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho huyện Thanh Trì.
Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, phát triển và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân trên địa bàn; tạo nguồn thu ngân sách từ đấu thầu quyền sử dụng đất đảm bảo phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và huyện.
UBND TP. Hà Nội cho biết dự án Khu đô thị mới Liên Ninh thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư trước khi tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP dự kiến đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc đấu thầu dự án tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải là tổ chức thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 55 Luật Đất đai 2013; Có đủ các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo Tờ trình, quy mô sử dụng đất của Dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng 276.934,5m2. Trong đó, đất công trình công cộng đơn vị ở (UBND phường, nhà văn hóa, trạm y tế), trường tiểu học, trường THCS, đất cây xanh đơn vị ở, nhà đầu tư bàn giao lại cho huyện Thanh Trì sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật, gồm: Đất công cộng đơn vị ở (UBND phường, nhà văn hóa, trạm y tế) diện tích khoảng 14.892m2; Diện tích xây dựng 5.957m; Mật độ xây dựng 40%; Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 41.698m2; Tầng cao công trình 1-9 tầng.
Đất trường tiểu học diện tích khoảng 13.415m2; Diện tích xây dựng 10.444 m2; Mật độ xây dựng 40%; Tổng diện tích sản xây dựng 41.778m2; Tầng cao công trình 1-4 tầng.
Đất trường THCS diện tích khoảng 12.696 m2; diện tích xây dựng 5.078m2; Mật độ xây dựng 40%; Tổng diện tích sàn xây dựng 20.314 m2; Tầng cao công trình 1-4 tầng.
Đất cây xanh đơn vị ở (ký hiệu từ CX1-CX5) có tổng diện tích khoảng 31.970m2.
Nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới theo quy hoạch chỉ tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt, gồm: Công trình cây xanh khu ở; Công trình giao thông gồm: Công trình đường giao thông khu ở; Công trình đường giao thông đơn vị ở; Các công trình bãi đỗ xe; Trường mầm non.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình nhà ở với tổng diện tích đất ở khoảng 73.253m2, gồm: Công trình nhà ở biệt thự; Công trình nhà ở liền kề; Công trình nhà ở xã hội.
Đối với các công trình giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, thoát nước mưa, thoát nước thái, trạm xử lý nước thải (nếu có),...), nhà đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình theo quy hoạch chi tiết và dự án được phê duyệt, bàn giao lại cho Nhà nước, chính quyền địa phương quản lý theo quy định hiện hành. Nhà đầu tư có trách nhiệm duy tu, duy trì các công trình cho đến khi bàn giao cho chính quyền địa phương.
Đối với các công trình công cộng đơn vị ở (UBND phường, nhà văn hóa, trạm y tế), công trình cây xanh đơn vị ở, trường tiểu học, trường THCS: Nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ xung quanh các ô đất. Việc hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng phân bố tại các ô đất trên sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với công trình còn lại (cây xanh khu ở, bãi đỗ xe, trưởng mầm non, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội): Nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được duyệt và tổ chức quản lý, khai thác kinh doanh theo quy định hiện hành.
Đối với các khu vực giáp ranh dự án: Nhà đầu tư có trách nhiệm liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để rà soát, khớp nối hệ thống đường giao thông, thoát nước tránh gây ngập ủng cục bộ, hệ thống cây xanh gắn với các công trình công cộng, công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng của dự án với các khu vực dân cư hiện trạng giáp ranh...