Theo thống kê của sở GTVT Hà Nội thì có tới 1.547 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc 450 đơn vị kinh doanh vận tải trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống) theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐCP ngày 17/01/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đơn cử, trong tháng 8/2022, xe hợp đồng mang biển kiểm soát 29F-009.50 của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Xuân Thành Phát tại Hà Nội có 204 lần vi phạm tốc độ; xe hợp đồng 29B-000.65 của Chi nhánh Công ty TNHH Đại Nam vi phạm 377 lần; xe hợp đồng 29F-003.55 của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ giao nhận Tiến Minh vi phạm 616 lần; xe hợp đồng 29B-147.12 của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Du lịch Hòa Phát vi phạm 638 lần… Dẫn đầu là xe đầu kéo mang biển kiểm soát 37C-305.42 của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Trường Hải có tới 1.665 lần vi phạm trong tháng 8/2022. Đây cũng là đơn vị có khoảng 90 phương tiện bị thu hồi phù hiệu trong đợt này cùng một nguyên nhân vi phạm tốc độ.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị nộp lại phù hiệu bị thu hồi về Sở (phòng Quản lý vận tải) trước ngày 01/11/2022. Đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng các phương tiện nêu trên để tham gia hoạt động kinh doanh trong thời gian phương tiện đó bị thu hồi phù hiệu.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe khách tại Hà Nội không xác nhận vào Lệnh vận chuyển đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bị thu hồi phù hiệu.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phương tiện vi phạm để kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện đó bị thu hồi phù hiệu hoặc cố tình không chấp hành giao nộp lại phù hiệu.
Phòng Quản lý vận tải từ chối thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đơn vị vận tải bị thu hồi phù hiệu cho đến khi đơn vị chấp hành đầy đủ, nghiêm túc việc xử lý vi phạm và có cam kết chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm theo quy định.
Các đơn vị kinh doanh vận tải nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng các phương tiện nêu trên tham gia kinh doanh vận tải, sau khi nộp lại phù hiệu và báo cáo kèm theo tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi thì đơn vị phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định tại khoản 7, Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ.