Không chỉ vậy, những năm qua, công tác cán bộ của huyện được thành phố quan tâm, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Do vậy, địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch, từ đó tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển...
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, dự báo và đánh giá đúng tình hình, ngay từ đầu năm 2021, Huyện uỷ - UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 27.849 tỷ đồng, đạt 91,7% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2021, thu nội địa ước đạt 891,6 tỷ đồng, vượt 14% dự toán thành giao. Đến cuối năm 2021, huyện phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt từ 97 - 99%.
Liên quan đến việc thực hiện Chương trình số 04 CTr/TU của Thành uỷ, đến nay, 16/16 xã trên địa bàn huyện Mê Linh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 108/HD-UBND của UBND TP Hà Nội.
Vừa qua, đoàn thẩm tra Trung ương và của thành phố Hà Nội đã khảo sát, đánh giá thực tế kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Đồng thời, thống nhất cao về việc huyện Mê Linh đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận về đích nông thôn mới.
Hiện nay, huyện vẫn còn 2 tiêu chí phải giải trình thêm với Trung ương là trường học và môi trường. Do đó, huyện Mê Linh tập trung sớm hoàn thành 2 tiêu chí này. Cùng đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội để hoàn thiện sớm hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thẩm định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương cần bám sát quy hoạch để định hướng phát triển phù hợp; trong đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những loại hình dịch vụ đô thị gắn với du lịch.../.