Hà Nội cấp hơn 12 nghìn bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã cấp hơn 12 nghìn bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thủ đô.

Thời gian qua, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.275 cơ sở trong đó có 12.286 bộ mã truy xuất nguồn gốc lên hệ thống. Trong đó, có sản phẩm của 48 tỉnh, thành phố trên cả nước liên kết trong hệ thống với 2.024 sản phẩm của 457 cơ sở.

ma-truy-xuat-nguon-goc-1671779222.jpg
Hà Nội cấp hơn 12 nghìn bộ mã truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản. Ảnh: Hanoimoi.com.vn)

Bên cạnh đó, Sở còn duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại địa bàn thành phố Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn); duy trì và mở rộng hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn). Xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản (tracnghiemattp.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn).

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ. 11 tháng đầu năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã thực hiện lấy 1.984 mẫu, kế quả có 1.454 mẫu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm (chiếm 94,2%), trong đó lấy 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố với 287 mẫu đạt yêu cầu an toàn thực phẩm (chiếm 93,7%). Đối với các mẫu không đạt có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, Chi cục đã thông tin, cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, thành phố để truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân theo quy định.

Cũng trong thời gian này, các đơn vị của Sở đã thanh tra, kiểm tra tại 1.049 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, ban hành 60 quyết định xử phạt với số tiền hơn 810 triệu đồng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát chất lượng mà còn giúp người tiêu dùng Thủ đô và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hưởng hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch, rõ ràng.

Anh Thư