Hà Nam: Liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông cho hiệu quả cao

Từ nhiều năm nay, cây vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính của tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, nhiều diện tích cây vụ Đông được ký kết tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Với hơn 4 sào dưa chuột, vụ Đông năm nay, bà Phan Thị Sính, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã thu về gần 50 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ đối với một nông dân như bà.

Bà Phan Thị Sính cho biết, vụ Đông nhiều năm qua, bà trồng dưa chuột là chủ yếu. Trồng cây dưa chuột tuy phải chăm sóc vất vả hơn các loại cây trồng khác nhưng lại cho thu nhập cao hơn hẳn. Đặc biệt, bà con hoàn toàn yên tâm về khâu tiêu thụ.

Bởi ngay từ đầu vụ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Dưa thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp thu mua tại ruộng hết đến đấy. Năm nay, dưa tiếp tục được mùa, giá bán trung bình 7.000 đồng/kg, mỗi sào dưa thu lãi khoảng từ 10 - 12 triệu đồng, cao gấp từ 5-6 lần trồng lúa.

Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng luôn duy trì gần 100 ha trồng cây vụ ông, trong đó, chủ yếu là cây dưa chuột. Ngay từ đầu vụ, hợp tác xã tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp nên tại địa phương chưa bao giờ xảy ra tình trạng dưa không bán hết phải đổ bỏ. Năm nay dưa loại 1 được cân với giá 7.000 đồng/kg, loại 2 là 5.000 đồng/kg, người dân thu lãi trung bình hơn 10 triệu đồng/sào.

nong-san-28012022-1643351357.jpeg
Nông dân xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, thu hoạch dưa chuột. Ảnh tư liệu: Nguyễn Chinh/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Đốc, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, huyện Kim Bảng cho biết, đối với sản xuất nông nghiệp, khâu tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng, đặc biệt đối với cây trồng vụ Đông, do thu hoạch tập trung ồ ạt, không tiêu thụ kịp thời sẽ bị hỏng.

Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ, hợp tác xã đã liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty. Đảm bảo sản phẩm vụ Đông thu hoạch đến đâu, công ty thu mua hết tại ruộng cho bà con. Hợp tác xã cũng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm hợp đồng đã ký kết.

Tại xã An Ninh, huyện Bình Lục, cây bí đỏ đã trở thành cây hàng hóa vụ Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nhiều năm qua. Vụ Đông 2021-2022, xã tiếp tục sản xuất gần 200 ha; trong đó, chủ yếu là cây bí đỏ. Bí được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ từ đầu vụ và thu mua ngay tại ruộng.

Bà Hà Thị Lục, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Ninh, huyện Bình Lục cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi vào vụ hợp tác xã cũng như bà con xã viên rất lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ, hợp tác xã tổ chức họp từng nhóm hộ xã viên để làm công tác tư tưởng, động viên bà con yên tâm sản xuất.

Cùng với đó, hợp tác xã chủ động liên hệ để ký hợp đồng sớm với đối tác bao tiêu sản phẩm cho bà con; chuẩn bị giống vốn sớm. Rất mừng là vụ đông năm nay tiếp tục được mùa, được giá, bà con thu hoạch bí đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Mỗi sào bí đỏ cho thu lãi từ 6-7 triệu đồng. Những xã viên sản xuất từ 7-8 sào, sau 3 tháng thu nhập gần 50 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với nông dân.

Nhiều năm nay, tỉnh Hà Nam luôn duy trì diện tích cây vụ Đông trên 10.000 ha, chủ yếu là những cây trồng hàng hóa. Để đảm bảo sản xuất cây vụ Đông đạt hiệu quả, các địa phương tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đại lý ngay từ đầu vụ. Nhiều loại cây trồng được ký kết tiêu thụ sản phẩm đạt cao như: dưa chuột, cây bí đỏ đạt 90% diện tích, ngô nếp hơn 60%...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch rất chi tiết cho từng huyện, từng loại cây trồng, trong đó chủ yếu là các cây trồng mang tính chất hàng hóa như: dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô ngọt, ngô nếp…

Đồng thời, giao cho các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chủ động đứng ra liên kết với các doanh nghiệp, đại lý ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Nhờ đó, mấy năm vừa qua, tỉnh Hà Nam luôn giữ ổn định được diện tích cây trồng vụ đông, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất cây vụ Đông đạt khoảng 600 tỷ đồng/vụ, chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh./.