Hà Giang: Bắc Quang Phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản

Nằm trong khu vực phát triển kinh tế nhất của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang đang tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng các nguồn lực tự nhiên và xã hội nhằm duy trì và phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản,
nuoi-ca-be-1-1650676903.jpg
Ảnh minh họa

Với mục đích đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành một thế mạnh kinh tế của huyện trong tương lai. Huyện Bắc Quang với vị trí địa lý nằm dọc theo triền sông Lô, nguồn nước tương đối phong phú, giao thông thuận tiện, hệ thống ao hồ phân bố rộng khắp. Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tại huyện.

Khảo sát qua một số xã có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản như: Vô Điếm, Kim Ngọc, Quang Minh, Bằng Hành, thị trấn Vĩnh Tuy..., chúng tôi nhận thấy các xã này có mật độ ao, hồ phân bố dày rất thuận lợi cho phát triển thuỷ sản, và thực tế người dân nơi đây cũng đang coi phát triển thủy sản gắn với mô hình VACR là hướng đi đúng đắn mang tính chiến lược lâu dài của huyện.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang thì huyện có đến hơn 80% đồng bào sinh sống bằng nông nghiệp với diện tích tự nhiên là 109.880 ha, diện tích ao hồ toàn huyện chiếm tới 596 ha được phân bố trên địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện tự nhiên cũng như khí hậu, đất đai, nguồn nước phong phú tạo ưu thế cho chiến lược phát triển kinh tế tổng thể giữa các vùng.

Hiện nay, nhân dân trong huyện đã tận dụng được các khe, lạch, đầm lầy để cải tạo thành các khu nuôi trồng thuỷ sản với giá trị kinh tế, mỗi năm sản lượng thuỷ sản đạt gần 1000 tấn. Nhiều địa phương trong xã đã mạnh dạn đưa con giống mới vào nuôi trồng thử nghiệm và đã cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi cá trắm đen ở xã Vô Điếm, nuôi cá Chiên theo lồng tại thị trấn Vĩnh Tuy, nuôi tôm ở xã Quang Minh...

Một điều kiện thuận lợi nữa đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Bắc Quang, đó là trong năm vừa qua huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp huyện xây dựng thành công các trại nuôi con giống tại xã Vô Điếm, bên cạnh đó nhiều hộ dân đã đứng ra xây dựng các trại giống vừa và nhỏ cung cấp nguồn con giống cho nhân dân trong vùng, tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thuỷ sản trong huyện được thuận lợi hơn. Theo lời giới thiệu của phòng Nông nghiệp huyện chúng tôi tới một số hộ gia đình nuôi các Chiên lồng trên địa phận sông Lô tại thị trấn Vĩnh Tuy.

Tại khu vực sông này nhiều hộ gia đình đã áp dụng hình thức nuôi cá trong lồng, bè của người dân lưu vực sông Hồng để nuôi giống cá Chiên, loại cá cho sản lượng và giá trị kinh tế tương đối cao. Gia đình anh Hà Mạnh Hùng, quê gốc Thái Bình phấn khởi tâm sự: Mấy năm trước, gia đình và nhiều hộ dân đã góp vốn, góp sức cùng nhau nuôi cá Chiên trên lưu vực sông Lô và loại thuỷ sản này đã mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ, mỗi năm trừ chi phí chúng tôi còn lãi ròng được hơn 30 triệu đồng.

Tuy nhiên trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của khí hậu, nguồn nước sông Lô luôn ở mức thấp, hơn nữa các hoạt động khai thác vàng trái phép tại thị trấn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cá Chiên của các hộ dân nơi đây, do vậy chúng tôi đang tiếp tục tìm các vị trí thuận lợi để phát triển ngành nuôi cá Chiên lồng này. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã đứng ra mở các trung tâm mua bán con giống và tiêu thụ thuỷ sản đặc biệt là cá Chiên, do vậy người dân thị trấn Vĩnh Tuy rất yên tâm khi phát triển nghề nuôi cá Chiên lồng này...

Một thực tế cho thấy, hiện nay ngành nuôi trồng thuỷ sản tại Bắc Quang tuy có nhiều điều kiện để phát triển nhưng vẫn tồn tại không ít những khó khăn, thử thách. Trước hết phải tính đến lợi ích khi nuôi trồng thuỷ sản mang lại, nhiều ao hồ trở thành nguồn nước chủ yếu cung cấp cho một số diện tích lúa, hoa màu khô hạn, đồng thời cung cấp trữ lượng thức ăn sinh hoạt của nhân dân và cung cấp nguồn thuỷ sản tươi sống cho thị trường.

Hơn nữa hệ thống chợ huyện và chợ xã tại Bắc Quang được củng cố và xây dựng khá đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ nguồn hàng thuỷ sản trong vùng và các vùng lân cận. Tuy nhiên để khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của nuôi trồng thuỷ sản tại huyện các cấp, các ngành trong huyện cũng cần đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ người dân về vốn, con giống, nguồn tiêu thụ để phát triển toàn diện ngành nuôi trồng thuỷ sản.

Việc đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật chuyên trách về ngành nuôi trồng thuỷ sản phải được quan tâm hàng đầu, bởi việc đầu tư phát triển ngành thuỷ sản trở thành một thế mạnh kinh tế không thể đầu tư ồ ạt, thiếu tính chuyên nghiệp mà cần đầu tư mang tính chiến lược lâu dài.

Các ngành chức năng huyện cần quan tâm hơn nữa đến nguyện vọng của nhân dân trong nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ nhân dân về con giống, hướng dẫn nhân dân biết cách phòng trừ các loại dịch bệnh thường xảy ra, có như vậy ngành nuôi trồng thuỷ sản mới thực sự trở thành thế mạnh kinh tế của huyện Bắc Quang trong thời gian tới./.

Lê Tuyền