“Giữa quá khứ và tương lai" - một cuốn sách đặc sắc

Thật vinh hạnh cho tôi, nhân dịp cuốn sách “Giữa quá khứ và tương lai - Between Past and Future” của Hannah Arendt do tôi biên dịch được nhận Giải Sách hay 2022, hạng mục sách nghiên cứu, thể loại sách dịch. Thật tiếc vì hiện tại tôi đang làm nghiên cứu ở nước ngoài nên không thể trực tiếp tham gia sự kiện, vì vậy, tôi có đôi lời tâm sự, mong được chia sẻ cùng Ban Tổ chức và quý bạn dọc.

Đó là lời tâm sự, chia sẻ của dịch giả Nguyễn Thị Minh gửi tới Ban Tổ chức và quý độc giả tại Lễ Công bố và trao giải Sách hay lần thứ XI năm 2022 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Dưới đây là tâm sự xuất phát đáy lòng của dịch giả Nguyễn Thị Minh.

Giải Sách hay là một hoạt động lan tỏa tri thức uy tín, và thành viên tham gia vào Ban Tổ chức cùng Ban Cố vấn cũng là những người tôi kính trọng, trong đó có thầy tôi, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, là người đã dạy cho tôi đọc, dịch triết học, góp phần tạo nên một thế hệ những người “yêu mến sự minh triết” ở Việt Nam, thầy cũng là người chia sẻ với tôi nỗi nhọc nhằn chữ nghĩa cũng như niềm vui trí tuệ khi đọc Hannah Arendt.

1-1663560457.jpg
Mỗi cuốn sách đạt Giải Sách hay 2022, một thông điệp được chia sẻ trong cuộc sống.

Hannah Arendt không chỉ là nữ triết gia đầu tiên mà tôi chọn dịch và giới thiệu ở Việt Nam, sau đó là Judith Butler, và sắp tới sẽ là Luce Irigaray, mà còn là dự án dài hơi mà tôi thực hiện trước, trong cũng như sau khi xuất bản “Giữa quá khứ và tương lai” (bao gồm việc tổ chức seminar học thuật cộng đồng, mời các chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia hướng dẫn đọc sâu cho người trẻ tại Việt Nam, đồng thời thực hiện các nghiên cứu về tư tưởng của bà).

Hơn nữa, người phụ nữ dũng cảm, mãnh liệt ấy còn là nguồn cảm hứng bất tận cho công việc lao động tri thức của tôi về sau này, tư tưởng của bà cũng có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng nữ quyền và nghiên cứu giới, là lĩnh vực mà tôi suốt đời theo đuổi. 

Điều đáng nói hơn là, ở Hannah Arendt nói chung, cuốn sách “Giữa quá khứ và tương lai” nói riêng, tôi tin rằng người Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều đồng cảm, ở đây tôi chỉ xin nói ngắn gọn ba điều trong số ấy, đó là: Tinh thần cộng đồng, quan niệm bảo tồn trong giáo dục, và niềm lạc quan vào khả thể bắt đầu những điều mới mẻ của con người. 

1. Tinh thần cộng đồng: Có rất nhiều người hiểu nhầm Hannah Arendt khi nói về điểm chính yếu nhất trong tư tưởng của bà về triết lý về hành động. Nhưng “hành động” với Hannah Arendt là hành động phi bạo lực, hành động bằng lời nói, bằng việc kể chuyện, trong đó con người tập hợp lại cùng nhau, đối thoại và cùng khởi tạo những điều mới mẻ cho cộng đồng. Tinh thần này, như tôi chia sẻ với TS. Lisa Stenmark trong một seminar học thuật tại Việt Nam, có điểm rất gần gũi với Đại thi hào Nguyễn Du “mà trong lẽ phải có người có ta”, đằng sau đó là một quan điểm còn tiếp tục gợi nhiều suy tư cho các triết gia về sau: dù bất đồng với nhau như thế nào, chúng ta vẫn phải sống cùng nhau trong cõi sống này. Việc chất vấn và suy tư về khả thể tạo ra một không gian công cộng lành mạnh, tạo điều kiện cho đối thoại và hành động của Hannah Arendt thực sự vẫn đầy ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.

2. Quan niệm bảo tồn trong giáo dục: Thế giới biết đến Hannah Arendt không chỉ với tư cách là người viết về sự “bình thường” của cái ác, mà còn với tư cách một triết gia về giáo dục vô cùng quan trọng có quan điểm bảo tồn.

Theo đó, nhà giáo dục, để có thể đưa trẻ em (một cái mới) vào trong thế giới (một cái đã cũ), cần phải bảo vệ cả hai bằng trách nhiệm và tình yêu trẻ, yêu thế giới của mình, dù họ phải sống trong hoàn cảnh vừa thách thức song cũng chứa đựng cơ hội - khi quyền uy đã không còn. Trong một nghiên cứu hợp tác của mình, tôi đã chỉ ra, quan điểm của bà có điểm rất gần gũi Khổng Tử, người thầy của phương Đông, khi ông nói về “thuật nhi bất tác”, và họ gặp gỡ nhau ở tinh thần của người giáo dục: dạy cho người học tình yêu cõi sống, để có thể cùng nhau bảo tồn những gì tốt đẹp của cõi sống này, để tiếp tục trao truyền nó cho thế hệ sau. 

3. Niềm lạc quan vào khả thể bắt đầu những điều mới mẻ của con người: Đây là điểm khiến tôi thích nhất khi đọc nữ triết gia này. Trong khi các nam triết gia khác thường suy tư về cái chết, với Hannah Arendt, điều quan trọng nhất, điều làm nên bản tính người của con người, điều đã hiện diện kể từ khi chúng ta mới chào đời, đó là năng lực khởi tạo những điều mới mẻ.

Do đó, làm người, với Hannah Arendt, là sinh ra, là bắt đầu một điều mới, dù ta đang trong giai đoạn nào, ở bất cứ đâu, gặp bất cứ cảnh ngộ nào trong cuộc đời. Khi nào ta còn năng lực ấy, khi đó, ta còn giữ được tính người của con người. Sự bắt đầu mang đến cho con người ý nghĩa đích thực của đời sống.

2-1663560514.jpg
Cuốn sách “Giữa Qúa khứ và Tương lai” của dịch giả Nguyễn Thị Minh nhận được Giải Sách hay 2022, hạng mục sách nghiên cứu, thể loại sách dịch.

Việc dịch, giới thiệu Hannah Arendt ở Việt Nam, với tôi, là một sự bắt đầu như thế. Và tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, đồng hành trong quá trình khởi tạo nói trên. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn Viện Goethe Hà Nội, đại diện là ông Wilfried Eckstein, là đơn vị chính đã tài trợ cho việc dịch và xuất bản cuốn sách này, cảm ơn các đơn vị xuất bản, các cá nhân hỗ trợ cho cuốn sách ngay từ đầu, cảm ơn gia đình đã luôn yêu thương, ủng hộ công việc nghiên cứu, dịch thuật của tôi, và cảm ơn độc giả. Tôi tin rằng việc vinh danh cuốn sách này, cũng như các cuốn sách giá trị khác của mùa giải năm nay, sẽ góp phần nâng cao tinh thần khuyến đọc, khuyến học, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực ở Việt Nam. Xin chúc sự kiện diễn ra thành công, và xin gửi những gì yêu thương nhất của tôi, một người đang xa tổ quốc, đến tất cả những người yêu sách và yêu mến tri thức.                                                             

Đạm Quang Lê