Ngăn xói mòn đất nhiệm vụ thường xuyên của nhà nông

Để đất trơ trụi là nguyên nhân số 1 dẫn đến xói mòn đất nên sau khi thu hoạch vụ chính, hãy trồng cây che phủ đất ngay khi có thể.
s1-1698365015.jpg
Để ngăn xói mòn đất, cần phải trồng cây che phủ quanh năm trên cánh đồng - Ảnh minh họa.

Luân canh, xen canh cũng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn xói mòn đất. Lớp phủ có thể giúp ngăn xói mòn đất. Xói mòn đất là quá trình tự nhiên làm ảnh hưởng đất ở tất cả các dạng địa hình. Đó là quá trình lớp đất mặt bị mang đi nơi khác. Do tác động của các yếu tố vật lý như nước và gió hoặc các yếu tố liên quan đến hoạt động trồng trọt. Mặc dù xói mòn là một quá trình tự nhiên. Thế nhưng trong những năm gần đây, chính các hoạt động canh tác của con người đã làm gia tăng tốc độ xói mòn lên gấp từ 10 - 40 lần so với quá trình tự nhiên.

Xói mòn đất tác động xấu đến phát triển nông nghiệp?

Chúng ta vẫn thường nghe, sự xói mòn chính là nguyên nhân khiến đất ngày một kém màu mỡ. Một số tác động trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp có thể kể đến như: Giảm sản lượng nông nghiệp và phá vỡ hệ sinh thái; Làm giảm độ phì nhiêu của tầng đất mặt và ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng trong đất; Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản như: độ chắc của hạt, trọng lượng riêng của hạt. Rồi các thành phần sinh hóa của nông sản cũng bị thay đổi do đất thiếu dinh dưỡng; Đất bị xói mòn nên nghèo chất dinh dưỡng và trở nên hạn chế năng suất với một số loại cây trồng; Làm giảm khả năng luân canh, xen canh.

Nguyên nhân gây ra xói mòn đất

Hầu hết các khu vực của Việt Nam có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Trong mùa khô, thực vật mặt đất thường khan hiếm và thưa thớt. Nên mặt đất không được che phủ. Hậu quả là khi mưa xuống, lớp đất bề mặt có giá trị bị rửa trôi. Dinh dưỡng trong lớp đất mặt bị cuốn đi theo dòng nước. Mặt đất sau khi bị nước cuốn đi tạo thành những rãnh gồ ghề. Và nếu như quá trình xói mòn ấy cứ tiếp diễn liên tục, thì đất sẽ ngày càng bạc màu, bề mặt khô cằn, không còn bằng phẳng.

s2-1698365063.jpg
Xói mòn đất do mưa lớn.

Ngoài những cơn mưa, việc tưới nước quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây ra xói mòn đất. Quá trình xói mòn lấy đi những phần màu mỡ nhất của đất: Đất bề mặt và những hạt sét nhỏ màu mỡ có rất nhiều trong chất mùn và chất dinh dưỡng. Gây ảnh hưởng tới tầng canh tác nông nghiệp. Ở nhiều nơi, có thể độ xói mòn thấp, gần như là không thể nhìn thấy được. Nhưng qua thời gian, đất vẫn sẽ chịu những tác động xấu. Nếu cứ để quá trình ấy diễn ra thì ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, cần có biện pháp để bảo vệ đất khỏi quá trình xói mòn ấy. Nhất là canh tác hữu cơ phụ thuộc hoàn toàn vào việc duy trì độ màu mỡ tự nhiên của đất.

Tăng cường sự thấm nước mưa vào trong đất

Bằng việc duy trì dày đặc các rễ cây, nấm và tảo xuyên qua các lớp đất. Đồng thời cần bảo vệ và duy trì số lượng lớn các sinh vật trong đất như giun đất, kiến, mối… nhằm duy trì độ tơi xốp và cấu trúc bền vững cho đất. Nhờ vậy nước mưa có thể dễ dàng thấm qua và dẫn sâu vào trong lòng đất. Nước được giữ trong đất tốt hơn, lâu hơn. Nhờ đó mà lớp đất bề mặt rất giàu chất mùn sẽ được giữ lại.

Giảm lực xói mòn của mưa rơi xuống đất

Có thể che phủ mặt đất bằng cách trồng lớp thảm thực vật tự nhiên, hoặc bằng các vật liệu che phủ. Ví dụ như trồng thảm thực vật bằng cây họ đậu, các thực vật sống như dương xỉ, rêu hoặc các cây con. Hoặc bằng việc để cỏ dại trong vườn cũng cho hiệu quả che phủ bề mặt rất tốt. Các vật liệu che phủ tự nhiên có thể kể đến như: lá rụng, vỏ cây, cành nhánh cây bị gãy, tàn dư thực vật từ vụ trước…

Có thể tận dụng chúng để che phủ bề mặt đất rất tốt. Đối với vườn cây lâu năm như cây ăn quả, có thể che phủ bằng cách trồng cây họ đậu, cỏ hoặc cây bò leo giữa các cây thân gỗ. Không chỉ các cây trồng mà cả cỏ cũng có thể đóng vai trò che phủ cho đất. Nếu có thể, tránh làm cỏ trước hoặc trong mùa mưa. Để tận dụng khả năng che phủ của chúng, tránh được sự cuốn trôi của nước mưa. Nếu cỏ dại cạnh tranh quá mạnh với các cây trồng khác trong vườn. Thì nên cắt bớt cỏ, và lượng cỏ được cắt nên bỏ lại tại chỗ để tạo một lớp che phủ bảo vệ cho đất.

Giảm tốc độ nước chảy xuống dốc

Các nền đất dốc là những nơi có khả năng bị xói mòn cao nhất. Bởi khi mưa lớn, tốc độ của dòng chảy trên đất dốc càng mạnh hơn. Để giảm tốc độ của dòng chảy, cần xây dựng các vật chống xói mòn dọc các đường đồng mức ở các khu vực đất dốc. Bên cạnh việc xây dựng các vật chống xói mòn cần phải kết hợp với trồng các hàng cây chắn như trồng cỏ vetiver. Khi hàng cây chắn được trồng dày dọc theo đường đồng mức, bản thân chúng có thể trở thành một hàng rào sống không cần bất kỳ công trình xây dựng nào.

s3-1698365102.jpg
Trồng các hàng cây chắn dọc theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn đất.

Trên đất dốc ít, sau nhiều năm chúng có thể góp phần tạo thành tầng đất bậc thang. Vì đất bị xói mòn xuống sẽ được gom giữ lại tại hàng chắn. Ngoài ra, rễ của cây giúp cho tường, rãnh và mương vững chắc, như thế chúng mới được bảo vệ khỏi sự phá hủy của những trận mưa lớn. Trước tình hình xói mòn đất là một trong những thảm họa nghiêm trọng đối với độ phì nhiêu của đất thì người nông dân cần hiểu rõ và vận dụng các phương pháp giảm thiểu xói mòn đất phù hợp. Giữ môi trường đất giàu dinh dưỡng cho sự phát triển cây trồng thuận lợi hơn. Nâng cao giá trị sử dụng của đất canh tác được lâu dài.

Minh Thu (t/h)