Giữ rừng cùng người dân để kinh tế xã hội ngày càng phát triển

Ban Quản lý (BQL) dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (Dự án VFBC Quảng Nam) đã cùng người dân với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng miền núi Quảng Nam.

c2309a8b1f1db243eb0c-1709230799.jpg

Dự án VFBC Quảng Nam đã cung cấp trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cho công tác tuần tra và bảo vệ rừng.

Sau 3 năm triển khai dự án, nhiều hoạt động được thực hiện tại các địa phương khu vực miền núi Quảng Nam, như tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và các lớp tập huấn cho hộ trồng rừng liên kết; hỗ trợ hơn 165 nghìn cây giống keo lai cấy mô giúp hàng chục hộ dân mở rộng diện tích rừng trồng; bàn giao 40 nghìn cây mầm mô, cùng 10 nghìn cây mô giống gốc làm vườn đầu dòng cho 3 vườn ươm trên địa bàn tỉnh.

Từ những hoạt động cụ thểm thiết thực, dự án đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra, Dự án VFBC Quảng Nam đã cung cấp trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cho công tác tuần tra và bảo vệ rừng.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc BQL Dự án VFBC Quảng Nam chia sẻ: “Các hoạt động của Dự án VFBC đã bước đầu hỗ trợ tỉnh chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh. Qua đó phát triển các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng bền vững, có chứng chỉ rừng, thúc đẩy trồng rừng và sản xuất rừng gỗ lớn.

Theo ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó Giám đốc BQL Dự án VFBC Quảng Nam, thời gian qua, các hợp phần và tiểu hợp phần của Dự án VFBC đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Đặc biệt, hoạt động ký kết triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên giữa BQL rừng và hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao năng lực bảo vệ rừng và thực thi pháp luật lâm nghiệp”, ông Khánh cho hay.

b3c42f8a591bf445ad0a-1709230799.jpg
Nhiều hoạt động được thực hiện tại các địa phương khu vực miền núi Quảng Nam từ dự án VFBC Việt Nam.

Qua trao đổi, ông Vũ Văn Hưng - Giám đốc BQL Dự án VFBC Việt Nam cho biết, sau thời gian triển khai chính sách hỗ trợ dự án lâm nghiệp trong cộng đồng tại Quảng Nam, bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả gắn với phát triển sinh kế dưới tán rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng vùng dự án.

“Bằng các hoạt động, mô hình thực tế đã tăng cường năng lực, cải thiện sinh kế, phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả trong cộng đồng. Ngoài ra, giúp kiểm soát hiệu quả hơn các nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng ở miền núi”, ông Hưng nói.//

Nguyễn Thuyết