Ngoài việc được thưởng thức thước phim tài liệu, khán giả sẽ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ của các nhân vật trong phim cũng như trao đổi cùng hai nghệ sĩ.
Dự án “Phụ nữ và Vovinam - Việt võ đạo” kể về câu chuyện của những người phụ nữ thông qua quá trình luyện tập võ thuật. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2020 khi Anne-Sophie Liban và Matthias Fortune gặp Trinh, một người đam mê võ Vovinam trên chuyến tàu từ Huế đến Đà Nẵng.
“Xuất thân từ Sài Gòn, Trinh chia sẻ với chúng tôi về tầm quan trọng của việc tập võ trong cuộc sống và mong muốn mở trường dạy môn võ này. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự quyết tâm của Trinh, cuộc gặp gỡ này đã truyền cảm hứng cho chúng tôi nảy ra ý tưởng kể câu chuyện về những người học võ”, Anne-Sophie Liban cho biết.
“Năm 2024, chúng tôi đã gặp Danièle Thiều Thị Tân, võ sư Vovinam - Việt võ đạo, nhà sử học và cựu tù nhân Côn Đảo trong chiến tranh. Ngoài những lời chứng phi thường ấy của cô, chúng tôi còn gặp gỡ các võ sĩ khác, bao gồm một vận động viên vô địch Olympic, một nữ diễn viên đóng thế và một võ sĩ trẻ. Chúng tôi đã ghi nhận những câu chuyện quý giá của những người phụ nữ này. Họ đại diện cho nhiều thế hệ với những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Chúng tôi muốn khám phá những khả năng mà võ thuật mang lại, đồng thời bày tỏ niềm ngưỡng mộ đối với những người phụ nữ có sự nghiệp tràn đầy cảm hứng”, Anne-Sophie Liban cho biết thêm.
“Chúng tôi sẽ dựng lại dự án này dưới dạng một bộ phim tài liệu ngắn. Sau thời gian lưu trú tại Villa Sài Gòn, chúng tôi mong muốn phát triển tiếp dự án này bằng cách thu thập thêm những lời kể của các võ sĩ từ các môn võ khác nhau ở các nước Châu Á khác, trước khi trở lại Việt Nam vào mùa kế tiếp để thực hiện phiên bản sân khấu của dự án, kết hợp phim tài liệu, sân khấu và võ thuật”, Matthias Fortune chia sẻ.
Được biết, Anne-Sophie Liban và Matthias Fortune là hai diễn viên hài kịch và đạo diễn, đã làm việc và du lịch cùng nhau được 9 năm.
Vào năm 2015, họ thành lập đoàn kịch Homard Bleu, khám phá nhiều chủ đề và thể loại khác nhau như hài kịch, châm biếm xã hội, các mối quan hệ và nữ quyền. Tác phẩm mới nhất của họ “Nhân danh cha, con và Thành Long” sẽ được trình diễn tại Festival Avignon OFF vào tháng 7 năm 2024.
Tác phẩm đề cập đến các chủ đề về tuổi thơ, sự hòa giải giữa cha con và sự giải phóng thông qua biểu lộ của cơ thể. Đồng thời, từ năm 2015, họ đã thành lập và tổ chức Festival F.A.T., một sự kiện văn hóa thường niên nhằm mục đích đưa sân khấu đến các vùng nông thôn.
Là những nghệ sĩ đoạt giải của chương trình Villa Sài Gòn năm 2024 của Viện Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, họ đã biến một trong những giấc mơ của mình thành hiện thực chính là hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam.
Chương trình “Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon” dành cho các nghệ sĩ hoặc các nhóm nghệ sĩ có quốc tịch Pháp hoặc đang sinh sống tại Pháp, hoạt động ở tất cả các môn nghệ thuật và chuyên về sáng tác đương đại. Mục đích của chương trình nhằm củng cố, thúc đẩy đối thoại nghệ thuật giữa hai nước Pháp và Việt Nam./.