Quảng cáo #128

Giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Ngành Nông nghiệp Việt Nam là một ngành kinh tế trụ cột đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện nông nghiệp Net Zero không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.
3-1734575378644-1734640160.jpeg
Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050".

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thế giới đang đứng trước yêu cầu cấp bách về giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam với vị thế là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, trong đó mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 là kim chỉ nam quan trọng.

Tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia.

Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, việc chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu; đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người dân là yếu tố then chốt cần được đẩy mạnh.

Đồng quan điểm, theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, “hiện nay, mặc dù, Ngành Nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại đóng góp hơn 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia, đặc biệt là từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón hóa học và đốt rơm rạ; chỉ riêng sản xuất lúa nước đã chiếm 46% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp.

Trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, ít phát thải, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.

Chính phủ đã phê duyệt nhiều Chiến lược, Đề án quan trọng, điển hình là Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp.

Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ”, ông Võ Tân Thành chia sẻ.

hinh-anh-thu-hoach-lua-can-tho-1734640160.jpg
Thu hoạch lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải nhanh chân tiến tới nông nghiệp Net Zero nếu không muốn thụt lùi. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Cần tăng cường nhận thức cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đã đến lúc đặt bài toán phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới Net zero là làm sao để hiện thực hóa được bài toán đã tính toán. Đây là bài toán cần thời gian lâu dài, bền bỉ.

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Văn Thòn, Lộc Trời đã rất thành công với mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng hiện nay cũng vẫn còn nhiều lúng túng khi thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa phát thải thấp. Ông cho rằng, nguyên nhân là do việc thực hiện chưa đồng bộ cả về quản lý, cơ chế chính sách và vẫn mạnh ai nấy làm.

Từ thực tế đó, ông Thòn đưa ra hai kiến nghị.Thứ nhất, cần thiết có sự tham gia chỉ đạo, lãnh đạo như một người “nhạc trưởng” để triển khai và hiện thực hóa các chương trình đã đề ra. Thứ hai, là vấn đề chính sách cho vay, đặc biệt là cho vay nhanh chóng và thuận lợi với người nông dân. Ông cho rằng có như vậy mới từng bước để hiện thực hóa mục tiêu đang được đề ra.

Ông Tô Thái Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh cho rằng, sản xuất xanh bền vững không những tạo ra sản phẩm an toàn mà còn bảo vệ chính sức khỏe của người sản xuất sau đó mới đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc đẩy mạnh sản xuất xanh, sản xuất theo các tiêu chuẩn đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có các chương trình, các hoạt động kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ, đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi cũng như kết quả  thực hiện. Cùng với đó là hỗ trợ về vốn để nâng cao chuyển đổi mô hình để mang lại giá trị, tăng giá trị, sản lượng chất lượng hàng hóa…/.

Hương Lan