Giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh cước vận tải biển tăng cao

Trong bối cảnh chi phí vận tải liên tục tăng cao thời gian qua, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu.
cang-hai-phong-1712-1711-1721649255.jpg
Chi phí vận chuyển quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) theo nhiều cách. Ngoài ra, sự gia tăng giá cước còn gây ra những áp lực về quản lý hàng tồn kho và thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng trì hoãn và chi phí phát sinh do phải điều chỉnh lịch vận chuyển để tránh các đợt tăng giá cao nhất vào mùa cao điểm​.

Trong báo cáo hàng tuần mới nhất, hãng tư vấn vận tải biển Linerlytica (Hồng Kông) cảnh báo, cước vận tải biển có thể đã lập đỉnh. Bằng chứng rõ ràng này cho thấy điều này là giá cước trên các thị trường tương lai giảm trong tuần qua.

Chỉ số giá container thế giới của Drewry (WCI), vốn đã chứng kiến mức tăng phần trăm hàng tuần ở mức hai con số gần đây, chỉ tăng 1% so với tuần trước vào ngày 11/7 ở mức 5.901 USD mỗi FEU. Trong khi đó, chỉ số cước vận tải container Thượng Hải (SCFI) đã giảm 1% xuống 3674,86 điểm vào ngày 12/7 so với mức của ngày 5/7.

Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.

Do đó, từ đầu năm 2024 đến nay tình trạng tăng giá cước vận tải biển đã làm chi phí vận chuyển tăng lên dẫn tới tăng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá bán cuối cùng của sản phẩm. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

dn-0932-1721649255.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu áp lực vì cước vận tải biển tăng cao. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu, các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam về giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.

Cụ thể, Bộ Công Thương trao đổi thông tin với các hiệp hội và doanh nghiệp để phối hợp, triển khai những nội dung sau:

Về phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics: Các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Phân luồng hàng hoá và tuyến đường thay thế: Bên cạnh tuyến đường đường biển hiện tại, doanh nghiệp XNK với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

Tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA): Các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến cho các doanh nghiệp XNK về các quy định của FTA nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.

Giải quyết hàng hoá xuất nhập khẩu tồn đọng: Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hoá tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hoá tại cảng.

Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với VCCI Việt Nam tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hoá đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.

Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh: Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai./.

Hương Lan