Giá xăng giảm, giá hàng hóa vẫn đứng im

Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay riêng giá xăng đã giảm hơn 7.000đồng/lít. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người tiêu dùng đang băn khoăn nhất là giá xăng giảm 5 lần liên tiếp mà chưa thấy giá cả giảm là mấy.

Nguyên nhân vì sao?

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, giá nguyên liệu đầu vào chưa giảm đồng loạt dẫn tới thị trường hàng hoá chưa điều chỉnh rõ rệt.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có cái khó của họ vì sản xuất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như là chi phí nguyên vật liệu, vận tải, kho bãi, hay thị trường cung cầu của sản phẩm đó... chứ không chỉ đơn thuần là giá xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp lúc này đang nỗ lực để giữ giá bán, không tạo thêm mặt bằng giá mới.

Theo Giám đốc một doanh nghiệp cho biết: "Tôi đang chịu áp lực giữ giá thành cho người tiêu dùng và đối tác, khách hàng. Bằng cách tối ưu hoá chi phí sản xuất để bù lại và yêu cầu nhà cung cấp phải quay lại cái giá cơ bản chấp nhận được".

"Khi xăng dầu giảm sẽ cần độ trễ nhất định để đơn vị cung ứng xem xét điều chỉnh giá mới phù hợp. Những mặt hàng mình bán từ tháng 7 là đã có điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Giá bán nội địa hiện đang tốt hơn giá xuất khẩu nhưng chất lượng như nhau", đại diện một Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm cho hay.

Tuy vậy, theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, giá nguyên liệu đầu vào chưa giảm đồng loạt dẫn tới thị trường hàng hoá chưa điều chỉnh rõ rệt. Đến chu kỳ sản xuất mới, doanh nghiệp sẽ tính toán đàm phán giảm giá thu mua nguyên vật liệu, từ đó đưa ra giá bán giảm theo tác động của giá xăng dầu. Cũng cần khoảng 1 tháng để nhà sản xuất làm mới giá bán.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Tôi kỳ vọng các doanh nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất cũng sẽ có giá giảm, điều tiết theo thị trường thì lúc đó mới có giá tốt hơn cho sản phẩm".

Ngoài giảm giá xăng dầu, cần có thêm chính sách cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm như giảm thuế phí nguyên liệu, thức ăn nhập khẩu; có chính sách vốn vay để doanh nghiệp tăng nguồn nguyên liệu dự trữ… kìm đà tăng chi phí đầu vào, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho hay.

11-chinh-9278-1660359239.jpeg
Người tiêu dùng luôn phải cân nhắc, tính toán khi mua hàng hoá thiết yêu, tiết giảm chi tiêu trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Kỳ vọng đà giảm giá nguyên liệu...

Tại tiệm tạp hóa của chị Phúc ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm... Gần đây, nhiều khách hỏi giá xăng giảm, vì sao giá hàng hóa không giảm! Theo chị Phúc, giá bán lẻ chưa thể giảm được vì các công ty vẫn đang giữ giá như trước, chỉ duy nhất dầu ăn là giảm giá.

Chai dầu ăn 1 lít giảm còn 44.000 đồng/chai. Đó là dầu ăn loại bình thường do các công ty trong nước sản xuất, còn dầu ăn cao cấp nhập ngoại giá vẫn vậy. Các mặt hàng tiêu dùng khác như đường, bột ngọt, mì gói, trứng, nước ép đóng chai, sữa … đều không giảm giá, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá.

Chị Phúc chia sẻ: “Xăng dầu giảm giá nhưng hàng hóa giảm ít lắm, chỉ có dầu ăn giảm giá thôi, còn một số mặt hàng khác thì vẫn đứng giá, 1 số mặt hàng thì đang tăng như: các loại khăn giấy, giấy vệ sinh, bánh quy, dầu gội đầu, bia... Riêng sữa thì đã tăng rồi, hôm giá xăng giảm vẫn tăng, nó đã tăng 3 lần tăng với tổng mức 30%, sữa không giảm giá”.

Còn tại các hệ thống siêu thị, rất ít nơi giảm giá bán hàng, phần lớn chỉ thực hiện chương trình khuyến mãi. Theo đại diện ngành hàng thực phẩm khô của Siêu thị LotteMart Việt Nam, khi giá xăng hạ nhiệt thì siêu thị cũng chủ động đề nghị với các nhà cung cấp giảm giá bán và phối hợp thực hiện chương trình khuyến mãi. Nhờ vậy, một số mặt hàng như mì gói, thực phẩm, sữa… giảm giá từ 10-30%. Các mặt hàng tươi sống cũng được điều chỉnh giảm với mức giảm nhiều nhất 33%.

Đại diện MegaMarket cho hay họ đã làm việc, gửi văn bản đề nghị các nhà cung cấp xem xét giảm giá hàng tiêu dùng để góp phần bình ổn thị trường, đang chờ phản hồi. Còn hiện tại, hệ thống siêu thị này hàng tuần đều có chương trình giảm giá sâu, đến 40% hoặc mua 1 tặng 1 đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết suốt thời gian qua, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã thực hiện chương trình bình ổn giá hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá bán hàng nên hiện tại cũng chưa thể giảm thêm được.

“Thực tế qua 12 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Saigon Co.op chưa tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Chúng tôi cũng trả lời với báo chí là thời gian qua, Saigon Co.op chưa điều chỉnh tăng giá bán hàng tiêu dùng thiết yếu nên bây giờ chưa điều chỉnh giảm” - ông Nguyễn Anh Đức nói.

Lý giải về việc giá hàng hóa chưa giảm ngay theo giá xăng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: Yếu tố giá cả hàng hóa, xăng dầu chiếm tỷ trọng không lớn, giảm giá xăng dầu sẽ là điều kiện để điều chỉnh giá. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, phân bón và nhiều nguyên liệu khác trong 2 năm qua giá tăng rất cao, ảnh hưởng đến việc tăng giá chung, chứ phải không riêng xăng dầu. Doanh nghiệp đang điều chỉnh để tiết giảm các chi phí giá thành để giữ được thị trường là vấn đề không phải chỉ có người tiêu dùng quan tâm và chính doanh nghiệp rất quan tâm”.

Giá xăng là 1 trong những yếu tố đầu vào của sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Giá xăng đã giảm 4 lần sau 12 lần tăng giá. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nguyên liệu đầu vào khác cho sản xuất, nhất là nguồn nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao, cộng thêm chi phí lao động tăng. Tất cả các yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay mà cần có độ trễ và cần thêm sự điều chỉnh của giá nguyên liệu sản xuất khác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng không biết giá xăng dầu giảm có ổn định lâu dài hay không nên cũng chưa dám điều chỉnh giảm giá ngay.

Phương Ly (t/h)