* Khuyến khích chế biến gỗ
Là một huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình hiện có hơn 33.000 ha đất trồng rừng sản xuất, mỗi năm cho khai thác trên 200.000 mét khối. Huyện Yên Bình có trên 150 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 5.000 lao động địa phương và đóng góp ngân sách khoảng 28 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình, phần lớn sản phẩm đã qua chế biến nhưng chỉ là dạng sơ chế hoặc bán thành phẩm, do các cơ sở chế biến gỗ ở huyện là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản. Một số doanh nghiệp do nguồn vốn ít nên việc đầu tư cũng chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp, công nghệ chế biến chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu và là nguyên liệu thô phục vụ xuất khẩu, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đây cũng là tình trạng chung của tỉnh Yên Bái, mặc dù toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở chế bến gỗ rừng trồng, với công suất chế biến đạt gần 400 nghìn m3 gỗ các loại mỗi năm, cho tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 2.000 tỷ đồng nhưng sản phẩm gỗ sau khi chế biến chủ yếu là ván bóc, gỗ xẻ thanh, gỗ dăm... Do vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Yên Bái chỉ dừng lại ở mức sơ chế, hạn chế về năng suất, chất lượng, nhất là giá trị kinh tế mang lại trên một đơn vị sản phẩm còn rất thấp.
Khắc phục những hạn chế này, ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, trọng tâm là đột phá trong đổi mới công nghệ chế biến, công suất lớn để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào. Khuyến khích đầu tư chế biến sâu để tạo ra sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Yên Bái đang triển khai một loạt chính sách, hỗ trợ tín dụng đầu tư cho trồng rừng, đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng có năng suất, nâng cao chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao; tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quy hoạch những vùng cung cấp nguyên liệu lâm sản, vùng chuyên canh sản xuất gỗ nguyên liệu quy mô lớn đáp ứng nhu cầu chế biến trong tỉnh.
* Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Huyện Văn Chấn có tổng diện tích rừng trồng là 24.625 ha, kinh tế đồi rừng được coi là thế mạnh của huyện. Tuy nhiên, việc trồng keo và bồ đề của người dân sản lượng đạt được không cao, giá bán gỗ tròn thấp, thường bị ép giá. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa được hỗ trợ tư vấn về giống, quá trình trồng, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Đặc biệt, sự liên kết giữa hộ dân trồng rừng với các đối tác trong chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo, nhiều bất cập, hạn chế.
Để nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng rừng, huyện Văn Chấn đã triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo, bồ đề” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn WOOD Yên Bình chủ trì, với mục tiêu chính là hình thành, xây dựng và phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo và bồ đề theo hướng bền vững, đảm bảo cân bằng về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn cho biết, đây là mô hình hoạt động theo hợp đồng cam kết giữa người trồng rừng, cơ sở chế biến và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp chủ trì chịu trách nhiệm vật tư, cây giống, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm; các hộ trồng rừng khai thác và cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến, đồng thời nhận hỗ trợ về phân bón, tư vấn kỹ thuật từ doanh nghiệp chủ trì; các cơ sở chế biến phụ trách vận chuyển gỗ, chế biến gỗ và bán lại theo quy cách đặt hàng của doanh nghiệp chủ trì.
Đây cũng là mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị của huyện Trấn Yên, do Tập đoàn An Việt Phát chủ trì, đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hai nhà máy sản xuất Plywood và viên nén gỗ xuất khẩu, công suất hơn 300 nghìn tần/năm, với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu năm 2022.
Với vai trò vừa là đơn vị bao tiêu sản phẩm, vừa là đơn vị chế biến sâu thành sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu, ông Bùi Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Việt Phát Group cam kết, sẽ liên kết chặt chẽ các hợp tác xã, hộ gia đình trồng rừng và sơ chế gỗ để thực hiện dự án theo chuỗi giá trị, bảo đảm vừa phát triển các vùng nguyên liệu ổn định, vừa góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người trồng rừng. Đây sẽ là mô hình góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp chế biến lâm sản, xuất khẩu của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.
Để nâng cao giá trị kinh tế gỗ rừng trồng trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái xác định phát triển cây lấy gỗ là thế mạnh, khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, với hai giải pháp quan trọng là khuyến khích đổi mới công nghệ chế biến và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.