Chiều 11/10, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,2 USD (1,5%) lên 83,59 USD/thùng, sau khi tăng gần 4% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,46 USD (1,8%) lên 80,81 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Giá dầu WTI đã tăng 4,6% trong phiên 8/10.
Giá dầu tăng trong bối cảnh tỷ lệ người dân được tiêm chủng tăng cao, nhờ đó chính phủ các nước đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế. Giá than đá và khí đốt cũng tăng lên khi các nền kinh tế phục hồi, khiến dầu trở nên hấp dẫn hơn để làm nhiên liệu cho sản xuất điện, đẩy thị trường dầu thô tăng cao hơn.
Tại Ấn Độ, một số bang đang gặp phải tình trạng mất điện vì thiếu than, trong khi ở Trung Quốc, chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp than tăng sản lượng khai thác do giá điện tăng cao.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên thế giới, làm dấy lên viễn cảnh về một mùa Đông khó khăn ở miền Bắc khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Các công ty khai thác dầu ở Mỹ đang tranh thủ khi giá năng lượng tăng và triển khai thêm 5 giàn khoan dầu khí mới trong tuần trước, ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp về số giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại nước này.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, vào tuần trước đã quyết định duy trì tăng sản lượng từng bước và ổn định. OPEC sẽ công bố cáo cáo về tình hình dầu hàng tháng vào cuối tuần này.