Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%

Sáng nay 29/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2023 đạt 3,72%.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

gdp-1688011687.jpg
Ảnh minh họa.

Theo thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Thống kê cũng cho thấy, ngành Xây dựng tăng 4,74%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,07%, 2,54% và 4,19% của cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2022 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Được biết, giá trị tăng thêm khu vực Dịch vụ 6 tháng năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng năm 2023, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm 36,62%; khu vực Dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Về sử dụng GDP 6 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.

Lãnh đạo cơ quan thống kê cho biết thêm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.

CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, bà Nguyễn Thị Hương cho biết,  kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỉ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỉ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỉ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỉ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,59 tỉ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỉ USD).

Ánh Dương (t/h)