Hà thủ ô thuộc là loại dược liệu được trồng nhiều ở châu Á và thường được biết đến với một số tên gọi như dạ hợp, giao đằng. Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam như Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên,... cũng đã trồng để làm dược liệu chữa bệnh. Cây thường sống lâu năm, thân mềm dạng dây leo quấn với nhau, rễ phình to thành củ. Trong tự nhiên, hà thủ ô có hai loại đỏ và trắng, nhưng hà thủ ô đỏ được nhắc đến nhiều hơn do có dược tính cao hơn và thường dùng để chữa tóc bạc sớm.
Theo nghiên cứu y học, trong hà thủ ô đó có chứa thành phần lecithin, một chất được tạo thành từ acid phosphoric, choline, acid béo bão hòa và không bão hòa. Màng tế bào của từng tế bào trong cơ thể đều có chứa lecithin, nó cũng cấu thành tổ chức thần kinh, đặc biệt là thành phần chính của não tủy. Lecithin đi vào máu, còn có thể loại bỏ cholesterol tích tụ trong thành mạch, làm giảm mỡ máu và giảm xơ vữa động mạch, giúp điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cao mỡ máu…
Trong y học cổ truyền, hà thủ ô đã trở thành nguyên liệu chính trong các bài thuốc dân gian, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe.
Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm
Trong các thành phần của hà thủ ô, đặc biệt là hà thủ ô đỏ có hàm lượng anthralycosid cao, giúp điều trị chứng rụng tóc và râu tóc bạc sớm. Sử dụng hà thủ ô trong 1-2 tháng sẽ cải thiện tình trạng rụng tóc đến trên 80%. Với trường hợp tóc bạc sớm khi dùng 3-4 tháng có thể làm giảm tỉ lệ tóc bạc 20-25%.
Cải thiện hệ thần kinh
Nhờ thành phần là lecithin trong hà thủ ô giúp chống suy nhược thần kinh, giúp sinh dịch huyết, cải thiện chuyển hóa. Theo tài liệu "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" chỉ ra, dùng dung dịch lecithin pha loãng 1/10.000 đến 1/200.000 có tác dụng làm mạnh tim cô lập, nếu tim đã yếu mệt thì tác dụng càng rõ rệt hơn.
Bổ huyết, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô quy vào kinh can, thận, giúp thận sinh tinh, sinh huyết. Y học hiện đại cũng chỉ ra, hà thủ ô có thể làm tăng số lượng hồng cầu, đồng thời giảm mệt mỏi, ăn ngon, ngủ được, đại tiểu tiện dễ dàng và tăng cân.
Bảo vệ gan
Các hợp chất Stilben trong hà thủ ô đỏ có tác dụng bảo vệ gan thông qua cơ chế giải độc gan và chống tác hại của oxy hóa. Ngoài ra, hà thủ ô đỏ còn tăng cường chức năng gan, ức chế tăng GOT và GPT (2 enzyme trong gan).
Kháng khuẩn
Nước sắc từ hà thủ ô đỏ ức chế vi khuẩn lao. Ngoài ra, hoạt chất resveratrol (thuộc nhóm Stilben) trong hà thủ ô cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm.
Giảm mỡ máu
Nước sắc của hà thủ ô có tác dụng giảm mỡ máu, giảm cholesterol. Cũng nhờ Resveratrol trong nhóm Stilben có tác dụng giảm các chỉ số như cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol – mỡ xấu, triglyceride. Từ đó phòng xơ vữa động mạch và tai biến do xơ vữa động mạch gây nên.
Tuy nhiên, nếu sử dụng hà thủ ô sai cách sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt như rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, tê bì chân tay, gây ngộ độc gan, thậm chí là ung thư gan. Theo như nhiều tài liệu ghi chép Đông y cổ xưa, khi sử dụng hà thủ ô cần kiêng “3 thứ màu trắng”, đó là củ cải, tỏi, hành. Bên cạnh đó nhiều chuyên gia về y học cổ truyền cũng khuyên nên kiêng thêm cả gừng, ớt, hạt tiêu,... do các nguyên liệu kể trên đều có tính nóng, có thể khiến phân tán hết các thành phần dinh dưỡng trong hà thủ ô.