Nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013-2023), 47 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan (1976-2023); trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức từ ngày 03-04/8/2023 tại tỉnh Quảng Trị. Ngày 3/8, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Chương trình “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan” với chủ đề “Quảng Trị - Điểm hội tụ và hợp tác phát triển của Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)”.
Tham dự chương trình có ông Nikorndej Balankura - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam; ông Wiraka Moodhitaporn - Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đồng Trung - Phó Cục trưởng Cục Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Quảng Trị; đại diện các bộ: Ngoại giao, Năng lượng Thái Lan, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam và Quảng Trị.
Đây là dịp quan trọng để Quảng Trị được trực tiếp giới thiệu sâu hơn, cụ thể hơn các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch đến các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đến từ Thái Lan; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh Quảng Trị, các nhà đầu tư đang quan tâm đến Quảng Trị cũng như các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Thái Lan có cơ hội tìm hiểu, trao đổi quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao thương, góp phần thúc đẩy và tăng cường kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa các bên.
Quảng Trị - Điểm hội tụ và hợp tác phát triển của Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây
Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ - Việt Nam, diện tích tự nhiên trên 4.700 km2 và dân số gần 650.000 người. Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP trong giai đoạn vừa qua trên 7%.
Quảng Trị có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng ở khu vực miền Trung, với vị trí thuận lợi vừa nằm trên Hành lang kinh tế Bắc – Nam của Việt Nam, đồng thời nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) – con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất của ASEAN kết nối Thái Lan, Myanmar, Lào với Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo ra biển Đông. Đồng thời, là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Phát huy vai trò, vị thế là tỉnh “ đầu cầu” về phía Đông của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Quảng Trị đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mới, trong đó có cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, đảm bảo luồng đầu tư và thương mại.
Đây là tiền đề quan trọng để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế mà EWEC có thể mang lại cho sự phát triển vùng và khu vực nói chung trong đó có sự phát triển của tỉnh Quảng Trị.
Thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư vào Quảng Trị đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, quy mô các dự án ngày càng lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là tín hiệu thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư và sự nỗ lực của tỉnh Quảng Trị.
Đến nay, Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD, trong đó, có 07 dự án FDI của nhà đầu tư Thái Lan với tổng nguồn vốn đăng ký trên 109 triệu USD.
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, Tuy nhiên, số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư tại Quảng Trị của Thái Lan hiện nay có thể nói chưa tương xứng với dư địa phát triển của tỉnh, tiềm năng các doanh nghiệp Thái Lan và mong muốn của hai bên. Chúng tôi mong rằng, sau sự kiện này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thêm một địa chỉ cụ thể nữa để quan tâm và có thêm cơ hội, điều kiện để hiện thực những quan tâm của mình trên mảnh đất Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thêm, hiện tỉnh đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch. Để cụ thể hóa các nội dung trên tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm gồm:
Một là, chuẩn bị điều kiện về quy hoạch chiến lược, quy hoạch tổng thể và mặt bằng để thu hút đầu tư: Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, theo đó Quảng Trị xác định trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước.
Sản phẩm năng lượng sạch của tỉnh sẽ được thương mại hóa để cung ứng cho toàn quốc, cũng như cho các quốc gia khác thuộc khu vực tiểu vùng Mekong (GMS); tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và là hạt nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại, du lịch, vận tải và logistics giữa Quảng Trị với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và các nước Đông Nam Á, Tây Á.
Hai là, về phát triển hạ tầng công nghiệp: Hiện, Quảng Trị có 02 Khu kinh tế: Khu kinh tế Đông Nam có diện tích 23.792 ha, là khu kinh tế biển đa ngành, điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị; là Trung tâm lớn về công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và cảng biển nước sâu của vùng Trung Bộ; là nơi có hạ tầng và các chính sách tốt để phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.804 ha nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội. Đây là 01 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lựa chọn tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Đối diện với khu kinh tế này là khu thương mại biên giới Densavan, tỉnh Savannakhet (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Hai khu này là một điểm nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây đang trong quá trình nghiên cứu, lập đề án để xây dựng Khu thương mại chung (CBT) giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có 05 khu công nghiệp đã và đang được đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, khá hiện đại với quy mô sử dụng đất trên 1.700 ha phù hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư Thái Lan.
Công nghiệp năng lượng được Quảng Trị xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và cả nước. Trong tương lai, những khu vực có tiềm năng tài nguyên lớn như mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu với trữ lượng dự báo lớn nhất trong lịch sử dầu khí Việt Nam sẽ là nền tảng bổ sung vững chắc cho nỗ lực này.
Ba là, hạ tầng kết nối đồng bộ: Chính phủ Việt Nam và Tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Quảng Trị, Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy , Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường ven biển kết nối với hành lang kinh tế Đông – Tây…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội; cơ sở giáo dục, dạy nghề và y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Bốn là, đổi mới, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Quảng Trị đang tiếp tục tập trung Đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một đầu mối”, xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm là, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư: Quan tâm, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép, triển khai đầu tư đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; luôn lắng nghe, đồng hành, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư .
Với phương châm “Doanh nghiệp phát triển, Quảng Trị phát triển” và “Doanh nghiệp phát triển, Quảng Trị phát triển” tỉnh Quảng Trị hoan nghênh chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Thái Lan đến với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm kinh doanh, đầu tư, triển khai thực hiện dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với vị trí địa kinh tế quan trọng, với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm cao trong cải cách chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Quảng Trị là điểm đến phù hợp cho các nhà đầu tư nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan nói riêng, góp phần tối ưu hóa những dư địa, tiềm năng và lợi thế của các bên, hình thành “sợi dây kết nối Hàng Lang Kinh tế Đông Tây ” giữa Quảng Trị với Thái Lan trong khu vực tiểu vùng sông Mê kông mở rộng GMS", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nikorndej Balankura - Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam khẳng định, Quảng Trị và Thái Lan có vị trí địa lý thuận lợi, chỉ mất từ 3-4 giờ đồng hồ di chuyển từ tỉnh Mukdahan đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng được coi là địa điểm chiến lược trong việc triển khai hợp tác trên 3 lĩnh vực: chính trị, kinh tế và kết nối về mặt nhân dân bao gồm du lịch, giáo dục và văn hóa. Là tiền đề quan trọng để tăng cường kết nối về kinh tế giữa Thái Lan và Việt Nam trên mọi cấp độ, đặc biệt ở cấp độ địa phương. Thời gian qua, giữa Thái Lan và Quảng Trị cũng đã có nền tảng kết nối trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, du lịch và văn hóa và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trên cơ sở thúc đẩy việc tận dụng các thỏa thuận quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị và Mukdahan cũng như việc tổ chức hội nghị hợp tác 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura khẳng định Thái Lan ủng hộ việc sớm xây dựng thỏa thuận thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani trong năm 2023 để ghi dấu ấn quan trọng trong dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Thái Lan và Việt Nam.
Đồng thời, ông Nikorndej Balankura bày tỏ hy vọng Chương trình “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan” sẽ là diễn đàn mở ra cơ hội cho các đại biểu Thái Lan nhận thức rõ hơn về tiềm năng của tỉnh Quảng Trị cũng như mở đường cho quan hệ hợp tác mọi mặt trong tương lai.
Phát biểu tổng Chương trình “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, năm 2023, Việt Nam kỷ niệm 25 năm ra đời Hành lang kinh tế Đông - Tây, một không gian địa lý kéo dài 1.450 km, đi qua 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Riêng ở Thái Lan, Hành lang kinh tế Đông - Tây chạy qua 7 tỉnh gồm Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Việt Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, suốt 25 năm qua, hai nước đã dần dần chuyển đổi Hành lang kinh tế Đông - Tây thành một trong những cơ chế hợp tác hiệu quả, năng động, ghi dấu ấn rõ ràng, đậm nét trong bức tranh KT - XH của các địa phương nằm trên tuyến hành lang này.
Với riêng với tỉnh Quảng Trị, hành trình 25 năm hợp tác, phát triển theo cơ chế hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh đã gặt hái nhiều thành quả đáng ghi nhận, nổi bật nhất chính là hạ tầng kinh tế kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường biển, năng lượng, sản xuất, phân phối, tiêu dùng.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị bày tỏ kỳ vọng, sự kiện “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan” sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác, phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn giữa Việt Nam và Thái Lan nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương, doanh nghiệp Thái Lan nói riêng.
Với tiềm lực to lớn và kinh nghiệm phong phú của các nhà hoạch định, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương của Thái Lan, dư địa, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị, triển vọng, tương lai hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển tốt đẹp hơn, khăng khít hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, Quảng Trị cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân Thái Lan tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển và du lịch khám phá tỉnh Quảng Trị. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án nhằm chủ động đón đầu cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển du lịch từ Thái Lan một cách chủ động, hiệu quả.
Để thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Quảng Trị, ở phần cuối Chương trình này đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị và Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam.
Dự kiến, sáng 04/8/2023, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tại TP. Đông Hà sẽ diễn ra Lễ cắt băng khai trương Gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của Thái Lan và Việt Nam.
Sáng cùng ngày cũng tại TP. Đông Hà sẽ diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” thông qua các phiên thảo luận về chủ đề: Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao; hội nhập chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông – Tây. Cùng với đó, cũng trong lãnh đạo các địa phương Quảng Trị và Thái Lan sẽ tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan theo hình thức kết nối trực tiếp và trực tuyến.