Sắp tới, “thủ phủ” vải thiều tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên bước vào chính vụ thu hoạch, do đó tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh triển khai xây dựng cửa khẩu số, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá để quả vải được thông quan sớm nhất.
Được biết, thời gian thu hoạch vải thiều ở tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra từ ngày 25/5 - 30/7; trong đó, vải sớm từ 25/5 - 15/6, vải chính vụ từ 10/6-30/7/2023.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9 ha. Đồng thời, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 460 ha, nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, diện tích 17.154,9 ha; sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.
Với mỗi một vùng trồng xuất khẩu, mã vùng trồng không chỉ là tấm vé thông hành rất quan trọng để nông sản xuất ngoại, mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022); sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 113.800 tấn, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 1.000 tấn...
Tính từ đầu vụ đến nay, đã có gần 1.000 tấn quả vải tươi được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành.
Tân Yên là huyện đầu tiên ở Bắc Giang thu hoạch vải chín sớm. Những ngày này nông dân đang tập trung chăm bón, sản xuất vải an toàn, nâng chất lượng để vải lên cùi dày, tăng vị ngọt. Tất cả các quy trình đều phải tuân thủ tiêu chuẩn của phía nhập khẩu đề ra.
Đối với vườn vải được trồng theo quy trình Global gap và đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, việc nhổ cỏ hay bắt sâu đục cuống quả vải đều được làm bằng tay. Thuốc bảo vệ thực vật cũng là loại thuốc sinh học được người dân tự làm từ dung dịch tỏi ớt để hạn chế tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên quả.