Fed có thể tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 03/5 tới đây

Fed có thể sẽ đưa ra quyết định trên bất chấp việc ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, nhiều nhà kinh tế dự đoán Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay. Đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của cơ quan này kể từ đầu năm ngoái.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tăng lãi suất vào ngày 03/5 tới, khi cơ quan này tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng kinh tế của nước này đã mất đà trong quý I/2023. Cụ thể GDP quý I/2023 chỉ tăng 1,1% so với quý I/2022, giảm mạnh so với mức tăng 2,6% trong quý IV/2022 và cũng thấp hơn đáng kể so với ước tính 2% của các nhà phân tích.

Các nhà phân tích và doanh nhân cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và sau đó duy trì lãi suất ở mức cao nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2% mà không gây ra suy thoái sâu hơn và nghiêm trọng hơn.

Các nhà kinh tế của Bank of America đã viết trong một văn bản lưu ý dành cho khách hàng vào hôm 28/4 rằng: “Chúng tôi hy vọng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tuần tới với xu hướng lãi suất tăng yếu trong tương lai”.

Một đợt tăng lãi suất nữa dự kiến vào ngày 03/5 sau khi Fed kết thúc cuộc họp hai ngày sẽ đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed, đưa biên độ lãi suất lên 5-5,25%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

tru-so-fed-1682905533.jpg
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC (Ảnh: Internet)

Song song đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đứng trước sức ép tiếp tục tăng lãi suất. Kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) có tăng trưởng, song lạm phát trong khối vẫn ở mức cao. Điều này khiến ECB không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất. Động thái này, gây thêm tổn thương tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, để kiểm soát giá cả.

Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng vọt, sau khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, người dân tại 20 quốc gia thành viên Eurozone đang bắt đầu cảm thấy tác động từ chính sách tăng lãi suất của ECB. Kinh tế Eurozone chỉ tăng 0,1% trong 3 tháng đầu năm, do tiêu dùng nội địa ở nhiều nền kinh tế đình trệ. Đây là dấu hiệu cho thấy, lạm phát gia tăng và thu nhập thực tế giảm, đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Điều đó dẫn đến tăng trưởng chủ yếu đến từ xuất khẩu, nhờ sự hồi sinh của thương mại toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh.

“Số liệu lạm phát tại từng quốc gia - đang gây sức ép buộc ECB phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp tuần tới”, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý tài sản GAM InvestmentsCharles Hepworth nói.

ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, tại cuộc họp ngày 4/5, khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc giữa mức tăng 0,5 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm./.

Ngày 20/4, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Cleveland Loretta Mester cho biết, bà ủng hộ việc tăng lãi suất lên mức trên 5% do lạm phát vẫn còn quá cao. Tuy nhiên, bà Loretta Mester cũng lưu ý sự thận trọng cũng là cần thiết do các điều kiện tín dụng thắt chặt có thể làm giảm tuyển dụng và chi tiêu. Theo bà Loretta Mester, việc cần thắt chặt thêm bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và tài chính cũng như tiến độ thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ của Fed.

Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng mức lãi suất cơ bản lên khoảng từ 4,75% - 5%, từ mức gần như bằng không cách đây 12 tháng. Fed cũng dự báo sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay và các nhà đầu tư đang đặt cược điều này sẽ diễn ra tại cuộc họp của Fed ngày 02 - 03/5 tới.

Tuy nhiên, một số quan chức Fed cho biết họ muốn tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ sau đợt tăng lãi suất tới, trong khi các nhà đầu tư dự báo sẽ có sự cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. 

Thi Nguyên (t/h)