Trong báo cáo "Tình hình Lương thực và Nông nghiệp năm 2021" (SOFA), FAO cho biết hiện thế giới có khoảng 3 tỷ người không đủ khả năng tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh và ước tính sẽ có thêm một tỷ người rơi vào tình trạng tương tự nếu xảy ra một cú sốc đột ngột làm giảm khoảng 33% thu nhập của họ.
Trong trường hợp các mạng lưới giao thông quan trọng bị gián đoạn, khoảng 845 triệu người sẽ phải hứng chịu chi phí thực phẩm tăng mạnh. Các nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng bao gồm xung đột, các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy thoái kinh tế và đại dịch COVID-19.
FAO nhận định ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, đã có một số yếu tố chính khiến thế giới đi chệch hướng trong nỗ lực chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức vào năm 2030.
Mục tiêu này ngày càng trở nên khó khăn hơn do đại dịch và các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch, vốn đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng đối với hệ thống cung ứng lương thực. Hệ thống cung ứng nông sản, gồm toàn bộ chuỗi sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ, sản xuất 11 tỷ tấn lương thực mỗi năm, cung cấp việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng tỷ người.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng hệ thống lương thực sẽ không thể trở thành yếu tố tiếp sức cho công cuộc chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức nếu không được cải thiện theo hướng tăng cường khả năng phục hồi và được khuyến khích cung cấp chế độ ăn lành mạnh một cách bền vững và toàn diện.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nước thu nhập thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước những cú sốc đột ngột, trong khi các nước thu nhập trung bình cũng phải đối mặt với mối đe dọa tương tự.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng phục hồi, đồng thời cũng phơi bày những yếu kém về hệ thống cung ứng nông sản của thế giới.
Nhằm giải quyết vấn đề này, FAO đề xuất một số giải pháp, trong đó hối thúc các chính phủ nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống nông sản như một phần chiến lược nhằm ứng phó với những thách thức hiện tại và trong tương lai.
Trong chiến lược này, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng sản phẩm đầu vào, sản xuất, thị trường và chuỗi cung ứng cũng đóng vai trò then chốt. Việc cải thiện sự đa dạng trong chuỗi nông sản có thể được thúc đẩy bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một yếu tố then chốt khác là cải thiện khả năng kết nối của mạng lưới nông sản để khắc phục sự gián đoạn có thể xảy ra trong các kênh vận chuyển./.