Dự thảo luật này sẽ yêu cầu các công ty phải chứng minh được các mặt hàng đậu tương, thịt bò, dầu cọ, ca cao, cà phê và các sản phẩm gỗ của mình được chứng nhận là “không phá rừng”.
Phát biểu trong một buổi họp báo, Ủy viên EU phụ trách chính sách hành động về khí hậu Virginijus Sinkevicius cho rằng: "Đề xuất này thực sự là một bước đột phá”. Ông cho biết đề xuất trên không chỉ nhắm đến hành động phá rừng trái phép mà còn cả hành động phá rừng để mở rộng hoạt động nông nghiệp.
Theo kế hoạch này của EU, hàng nhập khẩu vào EU cần thỏa mãn hai tiêu chí. Thứ nhất, hàng hóa đó được sản xuất tuân thủ quy định của nước xuất xứ. Thứ hai, chúng không được sản xuất ra trên đất rừng đã phát quang hay xuống cấp kể từ đầu năm 2021. Hàng nhập khẩu từ các nước có nguy cơ cao hơn sẽ phải trải qua các kiểm tra khắt khe hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) không nói rõ khi nào dự thảo luật này sẽ có hiệu lực. Các quy định được đề xuất nói trên sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước như Brazil (Bra-xin). Những lo ngại của châu Âu về hành vi phá rừng Amazon của những người nông dân chăn nuôi gia súc ở Brazil đang khiến việc thực thi hiệp định thương mại tự do giữa EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) bị trì hoãn.
Tổ chức bảo vệ môi trường WWF cho biết thị trường rộng lớn của EU phải chịu trách nhiệm cho khoảng 16% nạn phá rừng liên quan đến thương mại quốc tế trên toàn cầu. WWF và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã hoan nghênh kế hoạch nói trên của EU như một bước đi đầu tiên để ngăn chặn nạn phá rừng, nhưng cho rằng dự luật này vẫn chưa đủ tác dụng. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết đề xuất trên không giải quyết tình trạng phá rừng từ các hàng hóa khác như cao su và ngô, hay từ lợn và hoạt động chăn nuôi gia cầm.
Dự thảo luật này của EU được đề xuất sau khi Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đưa ra cam kết quốc tế từ nay đến năm 2030 sẽ chấm dứt nạn phá rừng./.